Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: "Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025". Theo đó, trong thời gian tới sẽ đào tạo thêm 9000 tiến sĩ làm giảng viên cho các trường ĐH,CĐ sư phạm với số tiền dự kiến khoảng 12.000 nghìn tỷ đồng.
Vì sao phải đào tạo thêm?
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Về phát triển đội ngũ giảng viên, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).
Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện này là 3.388 người trong đó giảng viên có trình độ Tiến sĩ là 115 người; Thạc sĩ là 2.187 người.
Toàn ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4113 phó giáo sư (chiếm 5,6%).
Bộ GD&ĐT cho rằng, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.
Số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm còn thấp (chiếm ~ 3,4%).
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Giáo dục Sri Lanka, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên của các trường đại học năm 2015 là hơn 55%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Thái Lan năm 2005 là hơn 24%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các trường đại học nghiên cứu của Malaysia năm 2010 là 73%. Đại đa số trường đại học trên thế giới, có bằng tiến sĩ là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên.
Tỷ lệ công bố khoa học thấp
Bộ GD&ĐT cho biết, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia NCKH, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.
Hiện Việt Nam có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Trong thời gian 10 năm (từ 1996 – 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế.
Đã thế, hiện Việt Nam có tổng cộng 334 tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế (ISSN) nhưng chỉ có 26 tạp chí (chiếm 0,078%) xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng Anh. Như vậy, số lượng các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của Việt Nam còn quá ít, gần 100% tạp chí khoa học của Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt.
Như vậy, xét trên nhiều khía cạnh, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và công bố khoa học của các cơ sở giáo dục đại học.
Như vậy, việc đào tạo 9000 tiến sĩ để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên là điều cần thiết.
Lấy kinh phí đào tạo ở đâu?
Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án.
Như vậy, các nguồn kinh phí cần thiết để triển khai đề án bao gồm ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 1%.