Phóng viên: Dư luận đang lo lắng việc độc quyền cung cấp E100 do cả nước chỉ có Công ty TNHH Tùng Lâm đang sản xuất mặt hàng này, liệu có thiếu hụt nguồn cung không, thưa ông?
Ông Vũ Kiên Chỉnh
Ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm: Tôi xin khẳng định không có chuyện độc quyền ở đây dù đúng là hiện chỉ có công ty chúng tôi đang sản xuất cồn E100. So với năm 2017 (khi chưa xóa sổ xăng khoáng A92 để thay bằng xăng E5 - PV) sản lượng sản xuất cồn E100 của công ty có tăng lên nhưng hiện chỉ mới đạt khoảng 60%-70% công suất. Điều này có nghĩa là khả năng cung ứng cồn E100 vẫn còn rất dồi dào, chưa kể một số nhà máy sản xuất cồn E100 khác (ở Bình Phước, Quảng Ngãi,…) đang sắp hoạt động trở lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu còn có thể nhập khẩu cồn E100 để pha chế xăng E5, thuế nhập khẩu vừa qua đã được giảm từ 20% xuống còn 17% nên thị trường có sự cạnh tranh.
Vậy E100 sản xuất trong nước chiếm thị phần bao nhiêu trong tổng tiêu thụ E100 để phục vụ pha chế xăng sinh học, thưa ông?
Tôi chỉ biết sản lượng công ty mình cung cấp còn số liệu toàn thị trường tôi không nắm được nên không thể trả lời về thị phần.
Xăng E5 gây ra nhiều tranh cãi trái chiều
Theo ông chất lượng cồn E100 để phối trộn xăng E5 hiện nay như thế nào, có như dư luận lo lắng không?
Tôi xin khẳng định chất lượng cồn E100 trong nước rất tốt. Công ty Tùng Lâm sản xuất hàng chất lượng cao hơn tiêu chuẩn chung của Việt Nam quy định. Trước đây, khi tiêu thụ trong nước khó khăn, chúng tôi đã xuất khẩu E100 sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để tồn tại. Hiện chúng tôi vẫn duy trì xuất khẩu nhưng giảm so với trước do thị trường trong nước tốt hơn.
Tôi cũng xin nói rõ chất lượng cồn E100 và xăng E5 khác nhau. Nhà máy sản xuất cồn E100 không quyết định chất lượng và giá cả xăng E5 vì cồn E100 chỉ chiếm 5% trong xăng E5, còn lại 95% là xăng khoáng A92. Do đó, chất lượng, giá cả xăng E5 phụ thuộc vào xăng khoáng A92. Việc pha thêm 5% cồn E100 vào xăng khoáng giúp giảm khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Dư luận đang hoài nghi việc khuyến khích tiêu thụ xăng E5 nhằm giúp hồi sinh các dự án nhà máy cồn ngàn tỉ đang "trùm chăn, đắp chiếu"?
Ở thời điểm này bạn đọc dễ suy luận theo hướng đó nhưng theo tôi là không chính xác. Bởi lẽ, Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành từ năm 2007, khi những nhà máy đó chưa ra đời. Đây là một xu hướng đúng đắn theo sự phát triển của thế giới. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đổ vào đầu tư nhà máy cồn, trong đó có Công ty Tùng Lâm.
Nhiều nhà máy cồn vốn nhà nước bị "trùm chăn, đắp chiếu" nhưng công ty Tùng Lâm, là công ty tư nhân vẫn sống là một minh chứng cho thấy không phải đầu tư vào nhà máy cồn là sai mà vì quá trình đầu tư có gì đó không đúng. Tôi cho rằng một chính sách lớn của chính phủ không thể để hỗ trợ cho vài doanh nghiệp. Nếu nhà máy hoạt động không hiệu quả có thể chuyển đổi chủ sở hữu, thậm chí phá sản và sẽ có người khác thay thế.
Là người trong cuộc, ông có thể lý giải vì sao có nhiều người phản ứng với xăng E5?
Tôi chỉ có thể nói rằng xăng là mặt hàng đang được nhà nước quản lý rất chặt. Chúng tôi đã cung cấp cồn E100 cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn ở Việt Nam pha chế từ năm 2011 và đến nay chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào khiếu nại liên quan đến chất lượng. Nhìn ra thế giới, hiện châu Âu đã bắt buộc xăng phải pha ít nhất 5% cồn E100 và tỉ lệ 10% (xăng E10) mới được gọi là xăng sinh học; ở Mỹ đã có xăng E10, E20; Brasil đã có E30; Trung Quốc đang dần bắt buộc xài E10. Trong khi Việt Nam do chính sách phát triển xăng sinh học không đồng bộ nên việc phân phối xăng E5 liên tục gặp trở ngại.