Phiên giao dịch hôm nay (2/3), sắc đỏ bao trùm lên thị trường khiến chỉ số VN-Index giảm 13,26 điểm (0,88%) xuống 1.485,52 điểm. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bị bán mạnh, đồng loạt giảm sâu.
Trong 27 cổ phiếu ngân hàng, chỉ 2 mã giữ được sắc xanh là SSB và KLB với mức tăng lần lượt 2,4% và 0,4%. 2 cổ phiếu ngân hàng nằm trong Top 5 bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất hôm nay là HDB của HDBank (hơn 6,5 triệu cp, giá trị 154 tỷ đồng), CTG của VietinBank (hơn 3,2 triệu cp, giá trị 105 tỷ đồng).
Đáng chú ý, thanh khoản nhóm ngân hàng tăng vọt trong phiên hôm nay với hơn 266 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, giá trị hơn 8.700 tỷ đồng, gấp 2 lần phiên 01/3 và là phiên có thanh khoản cao nhất kể từ ra Tết đến nay. Nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch tăng đột biến chứ không chỉ một vài mã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, mới chỉ một phiên giao dịch hôm nay chưa phản ánh được xu hướng của cổ phiếu ngân hàng, cần theo dõi các phiên tiếp theo. Ông cho rằng, biến động này là của thị trường chung, không chỉ ngân hàng mà nhiều nhóm khác cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Cách đây mấy ngày, cổ phiếu bất động sản cũng bị bán tháo.
"Thị trường chứng khoán chung khá xấu. Trong 4 tháng nay, VnIndex chỉ loanh quanh mốc 1.500 điểm mà không thể bứt phá, một số ngành rớt mạnh, nhưng một số ngành khác lại tăng, kéo lại VnIndex không bị giảm nhiều. Nhà đầu tư không nắm nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ vĩ mô trong giai đoạn này sẽ bị lỗ nặng", ông cho biết.
Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam rớt mạnh phiên 2/3 có thể do cổ phiếu ngân hàng tại nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh gần đây. Ngày 01/3, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường châu Âu mất 6,8% khi các nhà giao dịch giảm đáng kể kỳ vọng vào việc ECB sẽ thắt chặt tiền tệ. Trên thị trường Mỹ, cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm 3,8%.
Ngoài ra, vị chuyên gia phân tích, trong khoảng 1 năm qua, thị trường chứng khoán và tiền số đi chung với nhau, nhưng 2-3 ngày gần đây thì đi ngược nhau. Hôm qua, chứng khoán Mỹ rớt điểm rất mạnh nhưng tiền số thì tăng vọt.
"Như chúng ta biết, Mỹ và phương Tây đã loại ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Nhà đầu tư quốc tế và tổ chức quốc tế có thể chuyển sang tiền số để tránh ảnh hưởng này. Trong khi đó, Ukraine thì đã công khai kêu gọi tài trợ qua tiền số. Cổ phiếu ngân hàng đại diện cho hệ thống tài chính và đó có thể là lý do mà ngành này giảm trên nhiều thị trường", ông cho biết.
Dự báo thị trường trong thời gian tới, ông Khánh cho rằng cần lưu ý về biến động địa chính trị trên thế giới và tình hình lạm phát. Nhà đầu tư cần đánh giá để cân đối danh mục. Trong trung và dài hạn, xu hướng tích cực như 2 năm vừa qua sẽ khó duy trì, riêng năm 2022, chắc chắn sẽ không dễ "ăn" như năm 2021.
"Bình thường lạm phát ở mức độ vừa phải thì kinh tế phát triển. Nhưng nếu lạm phát tăng quá nhanh thì kinh tế không theo kịp. Chẳng hạn, nhiều người vì giá xăng tăng sẽ dừng ý định mua ô tô".
Vị chuyên gia cho rằng, trước mắt, trong ngắn hạn, không chỉ cổ phiếu ngân hàng mà những cổ phiếu phục vụ phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng một số cổ phiếu khác sẽ được hưởng lợi lớn, ví dụ như nhóm cổ phiếu năng lượng, không chỉ liên quan đến dầu mà cổ phiếu nguyên vật liệu như thép, than đá.
"Nhà đầu tư cần lưu ý diễn biến lạm phát trong dài hạn. Hiện một số luồng ý kiến cho rằng, căng thẳng địa chính trị có thể làm cho NHTW thay vì thắt chặt thì có thể nới lỏng trở lại để kích hoạt kinh tế. Nhưng điều này khó, chỉ trong bối cảnh lạm phát thấp hoặc kiểm soát được. Lạm phát đang có dấu hiệu quá đà khi giá năng lượng tăng vọt. Kể cả không có cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, lạm phát cũng đã rất cao rồi. Nay có thêm căng thẳng, không biết lạm phát sẽ còn đến đâu", Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank chia sẻ quan điểm với chúng tôi.