Đâu là lý do mà giá cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh và hút khách như vậy, thưa ông?
Không phải thời điểm này, mà giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá khá mạnh trong gần 1 năm nay. Việc cổ phiếu ngân hàng duy trì đà tăng nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn so với nhiều nhóm ngành khác. Một lý do nữa chính bởi mức độ hot của nhóm cổ phiếu ngân hàng được kéo dài nên thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các NĐT và họ đã mạnh dạn bỏ tiền vào cổ phiếu ngân hàng nhiều hơn.
Sự phát triển, tăng trưởng ổn định, bền vững là những yếu tố NĐT kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Ảnh minh họa
Theo ông đâu là yếu tố nâng đỡ giá cổ phiếu ngân hàng?
Tôi cho rằng, yếu tố nổi trội nhất thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng là hoạt động tăng vốn để cải thiện các chỉ tiêu tài chính, an toàn vốn của ngân hàng. Sau những đợt tăng vốn, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn tốt hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, đáp ứng an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng có sức hút riêng của các NĐT nội và ngoại. Chẳng hạn như STB có câu chuyện thoái vốn với giá cổ phiếu 33-34 nghìn đồng/cp và kỳ vọng xử lý nhanh tài sản nợ xấu. Tất nhiên, theo tôi không thể giải quyết nhanh được hết số tài sản nợ xấu đó trong năm nay có thể sang năm, nhưng câu chuyện đó vẫn hấp dẫn đối với các NĐT và họ mua cổ phiếu với giá kỳ vọng trong tương lai.
Mới đây, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng triển vọng kinh tế Việt Nam từ ổn định lên tích cực là thông tin tốt đối với nhóm ngành Ngân hàng trong bối cảnh hiện tại lan toả tới nhiều cổ phiếu trong nhóm ngành Ngân hàng. Nhất là những ngân hàng được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực như Vietcombank, Techcombank, ACB, MB…
Ông có lưu ý gì đối với giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian sắp tới?
Thời điểm này, các ngân hàng công bố nợ xấu ổn định, nợ tái cơ cấu được xử lý tốt nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại tôi vẫn hơi lo ngại vấn đề nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian tới. Ngoài ra, áp lực lạm phát có thể tác động đến lãi suất huy động tăng. Khi đầu vào tăng liệu đầu ra của các ngân hàng có tăng tương ứng không. Nếu không tăng thì có thể ảnh hưởng đến NIM và kết quả kinh doanh ngân hàng. Nhưng thời điểm này, dịch bệnh phức tạp, nền kinh tế chưa hồi phục được nhanh, nhu cầu vốn không mạnh, việc tăng lãi suất là khó. Tôi cho rằng, NHNN sẽ giữ ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm và tuỳ tình hình lạm phát. Hiện tại, lạm phát tăng không phải do nền kinh tế tăng trưởng mà chủ yếu giá hàng hoá, chi phí đẩy nên lãi suất có thể giữ ổn định được.
Nếu tình hình kiểm soát dịch tốt, hoạt động kinh tế trở lại thực sự không có gì đáng lo ngại. Nhưng chúng ta không nên chủ quan, cần cẩn trọng khi đánh giá tình hình. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, ngân hàng nào có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, hoạt động kinh doanh vẫn ổn định. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng thể hiện rõ quan điểm của họ đánh giá cao các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, khả năng xử lý rủi ro của họ tốt hơn các ngân hàng khác.
Vậy theo ông, cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?
Hiện tại cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm ngành chính dẫn dắt thị trường. Nhưng tôi kỳ vọng, dòng tiền lan toả sang các ngành khác như bất động sản, hay những ngành hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA như dệt may… Khi dòng tiền lan toả thị trường tăng trưởng bền vững chinh phục các mốc điểm quan trọng được, chứ nếu chỉ riêng nhóm ngân hàng không thể kéo mãi được vì giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá nhiều rồi.
Đến thời điểm này, thị trường chứng khoán dường như đã được "tiêm Vắc xin" nên không bị ảnh hưởng nhiều từ tác động dịch bệnh Covid và vẫn đang khá hấp dẫn do thanh khoản thị trường tốt, NĐT tham gia ngày càng tích cực. Xét ở góc độ đầu tư, các NĐT cũng nên cân nhắc chốt lời khi đạt được kỳ vọng nhất là nhóm ngành đã tăng mạnh. Đợi thị trường điều chỉnh rồi mua vào để bảo toàn lãi.
Xin cảm ơn ông!