Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là bên được uỷ thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF) đã cùng ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Theo thoả thuận này Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF thông qua WB với đơn giá theo thỏa thuận là 5 USD/tấn CO2.
Tổng số tiền chuyển nhượng theo thỏa thuận tương đương 51,5 triệu USD, khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.
Gần đây, một số ý kiến thắc mắc vì sao mỗi tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ được bán với giá 5 USD mà không phải ở mức giá cao hơn?
Cũng nói về vấn đề giá tín chỉ carbon , ông ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nói thêm về cách hiểu giá tín chỉ carbon trong khuôn khổ hội thảo Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 20/4.
Theo ông Minh, giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có quốc gia chỉ 1 USD cho 1 tấn carbon, song cũng có quốc gia bán giá 140 USD cho 1 tấn.
Ông Minh giải thích EU trao đổi đơn vị hạn ngạch tấn CO2, chứ không phải là tín chỉ carbon .
"Tín chỉ carbon về cơ bản chủ yếu giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện, giá gần đây tôi kiểm tra chỉ dao động từ 1-2 USD tùy loại tín chỉ carbon ", ông Minh thông tin thêm.
Còn theo TS Phạm Văn Đại - Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và Quản lý Fulbright, cho hay rất khó xác định giá 5 USD/tín chỉ carbon là cao hay thấp vì đây là giá thị trường. Bản thân tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được.
Giá thuế carbon bắt buộc là hơn 100 USD, trong khi tín chỉ carbon hiện chỉ được giao dịch khoảng 5 USD. Theo TS Đại, điều này còn liên quan đến chất lượng. Ngay cả Úc, sau khi kiểm kê thì chất lượng 3/4 tín chỉ đều có vấn đề, nhiều cánh rừng được bán dùng cho tín chỉ carbon sau khi bán thì bị phá hủy.
Ông Đại trích các báo cáo cho thấy giá tín chỉ carbon có thể lên đến 200-300 USD/tín chỉ và điều này chỉ đạt được khi chất lượng tín chỉ carbon được xác thực, bản chất của dự án cũng như chi phí bỏ ra để thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Minh - trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) - nói thêm: Trên thế giới, giai đoạn 2008-2012, giá tín chỉ carbon lên đến 30 USD/tín chỉ. Tuy nhiên giai đoạn 2013-2020 là giai đoạn "khoảng trống" khi nhiều quốc gia không tham gia cam kết về giảm phát thải vì cho rằng quốc gia này làm, quốc giá khác không làm là bất công bằng. Điều này kéo theo giá tín chỉ carbon giảm mạnh, chỉ còn vài USD.
Ông Minh đưa ra câu chuyện vào giai đoạn 2008-2013, tại Việt Nam cũng có dự án đạt tín chỉ carbon , lúc đó giá cao nhưng tích trữ lại và không bán. Tuy nhiên sau đó giá tín chỉ carbon rớt mạnh, đến nay đơn vị bán vẫn còn để tín chỉ trên hệ thống lưu ký, tiền lấy tín chỉ này về cao hơn cả tiền bán tín chỉ carbon và cũng đã hết thời hạn cam kết.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.