Quỹ Wellcome được thành lập năm 1936 và hiện có danh mục đầu tư lên đến 26 tỷ Bảng (~33,6 tỷ USD), có khoảng 800 nhân viên ở trụ sở của mình tại Anh quốc. Họ dự định trong năm nay sẽ cho phép nhân viên lựa chọn làm việc 4 ngày/tuần với mức lương giữ nguyên. Sáng kiến này nhằm tăng cường tác động của công việc trong khi vẫn cải thiện được mức độ hài lòng với cuộc sống của nhân viên.
Theo Ed Whiting, giám đốc chính sách và nhân sự của Wellcome, cho biết: "Cần phải mất vài tháng trước khi đưa ra quyết định chính thức và chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng những tác động tiềm ẩn mà chính sách này có thể có". Và tác động về bình đẳng giới có thể là một trong những yếu tố thú vị nhất.
Sự chênh lệch về lương bổng giữa hai giới bắt đầu mở rộng sau khi phụ nữ sinh con
Ban đầu, thu nhập của cả nam và nữ sau khi sinh con đều bị ảnh hưởng, nhưng thu nhập của nam giới nhanh chóng hồi phục, còn phụ nữ thì không. Điều này thể hiện rõ trong mức thu nhập thấp hơn của người phụ nữ trong suốt sự nghiệp của mình. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Tài chính Anh quốc thì khi đứa trẻ được 12 tuổi, mức chênh lệch này là 33%:
Tại sao phụ nữ lại được trả lương thấp hơn nam giới có một lý do quan trọng là họ thường có thời gian làm việc ngắn hơn sau khi sinh con, coi việc chăm sóc con cái là quan trọng hơn so với theo đuổi các mục tiêu trong sự nghiệp. Nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa.
Theo lẽ thường, các công ty sẽ ưu ái hơn cho một nhân viên nữ nghỉ phép để chăm con, trong khi điều này khó hơn nhiều đối với nam giới (vì bị đặt ra nhiều điều kiện hơn). Hơn nữa, vì nam giới thường đang làm công việc có thu nhập cao hơn, nên nhiều cặp vợ chồng đồng thuận với quyết định: Họ sẽ mất ít tiền hơn nếu chỉ người chồng quay lại làm việc.
Chính sách 4 ngày làm việc/tuần như của Wellcome có thể có tác động cực lớn đến vấn đề này. Phụ nữ đã có con ở đây sẽ được phép dành hẳn một ngày mỗi tuần cho con cái mà vẫn giữ được thời gian làm việc như các đồng nghiệp của mình. Và sự thay đổi cơ bản này có thể còn diễn ra không chỉ ở Wellcome, vì nhân viên nam của Quỹ giờ đây có thêm một ngày để trông con, nghĩa là vợ mình (làm việc ở một công ty nào đó) có thêm lợi thế để quyết định xem nên làm việc bán thời gian hay toàn thời gian.
Các công đoàn lao động đang kêu gọi tuần làm việc ngắn hơn ở Anh Quốc và trên thế giới đã có một số tiền lệ. Công ty Perpetual Guardian ở New Zealand đã áp dụng chính sách tuần làm việc 4 ngày cho 250 nhân viên vào tháng 10 năm ngoái. Kết quả cho thấy mức độ căng thẳng của nhân viên giảm 7%.
Một số người (như Laura Carstensen của Đại học Stanford) còn cho rằng làm việc ít căng thẳng hơn ở những thời điểm người ta bận rộn nhất trong sự nghiệp (như khi có con, hoặc người thân đau ốm chẳng hạn) sẽ có ý nghĩa nhân văn rất nhiều. Điều đặc biệt về chính sách 4 ngày làm việc là ở chỗ nó tạo ra sự thay đổi đối với mọi đối tượng người lao động, trong quá trình đó tạo ra một sân chơi công bằng hơn về giới, thể hiện ở nhiều khía cạnh như đào tạo nhân lực, chính sách tuyển dụng hay xem xét tăng lương – những khía cạnh mà người phụ nữ luôn bị coi là thiệt thòi hơn.