Theo quy hoạch chi tiết 1/500 đường vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu – Láng Hạ của UBND thành phố Hà Nội, 139 hộ dân thuộc dãy số lẻ trên đường Đê La Thành bị giải tỏa dành đất để xây dựng bãi đỗ xe, vườn hoa.
Việc điều chỉnh này ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm nhân khẩu đã sinh sống ổn định, lâu đời tại khu vực này. Trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng, 139 hộ dân này mong muốn đối thoại với UBND thành phố Hà Nội về một số vấn đề cần được làm rõ.
Tháng 10/2017, UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục. Đây là trục giao thông chính nối khu vực Đông-Tây của thành phố, có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn. Hiện nay, tuyến đường này chỉ còn lại đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục chưa được xây dựng, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Với tổng mức đầu tư lên đến gần 7.800 tỷ đồng thời gian thực hiện từ năm 2017-2020, đây là dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội. Riêng phần dải đất giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành, đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ đã được thành phố Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ với diện tích gần 6 nghìn 100 m2 để đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và công nghiệp đã phối hợp với UBND quận Đống Đa, Ba Đình công bố công khai quy hoạch chi tiết 1/500 chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu – Láng Hạ.
Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch chi tiết, người dân bên số nhà lẻ trên đường Đê La Thành khu vực bị giải phóng mặt bằng để làm công viên cây xanh và bãi đỗ xe đã gửi đơn kiến nghị, không đồng tình việc triển khai dự án này.
Theo bà Lê Thị Yến ở số nhà 283 đường Đê La Thành, người dân ủng hộ xây dựng đường vành đai 1 đã được phê duyệt cách đây nhiều năm, nhằm giảm ách tắc giao thông. Thế nhưng, giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành để làm bãi đỗ xe, công viên cây xanh là không có trong quy hoạch xây dựng vành đai 1 trước đó. Trước khi điều chỉnh quy hoạch, bổ sung khu đất này vào dự án, các hộ dân ở khu vực bị giải tỏa chưa nhận được thông tin nào từ phía chính quyền địa phương. Trong khi đó, trong Quyết định 2577 ngày 04/05/2017 của UBND thành phố Hà Nội gọi khu vực 139 hộ dân là diện tích đất xen kẹt.
Bà Lê Thị Yến cho biết các hộ dân đã sống nhiều đời ở đây từ năm 1970, đều đã được cấp sổ đỏ và xây dựng công trình kiên cố: “Nhà thì có số, phố thì có tên, có sổ đỏ rồi, chúng tôi cũng đã mất đất làm đường vành đai 1, khu vực đất này còn lại nhưng từ 2/5/2017 UBND lại bổ sung khu vực này làm dự án bãi đỗ xe, trồng cây xanh nhưng chưa cho dân họp, chúng tôi chẳng biết gì.”.
Cũng đồng quan điểm với bà Lê Thị Yến, bà Lục Lan Hương ở tại số nhà 195 Đê La Thành nêu mong muốn UBND thành phố Hà Nội cần tổ chức cuộc đối thoại với người dân dãy số lẻ khu vực đường Đê La Thành và công bố công khai, minh bạch các thông tin của dự án này.
“Chúng tôi ở dãy số lẻ này bị lấy đất với mục đích trồng cây xanh, bãi đỗ xe thì liệu có được là bãi đỗ xe không hay lại biến tướng chuyển đổi thành mục đích thương mại. Nguyện vọng của bản thân tôi là muốn các cấp lãnh đạo có câu trả lời minh bạch. Thứ nhất tại sao chúng tôi giải tỏa, tại sao chúng tôi là dải đất xen kẹt, lập lờ giữa hai dự án chính ra là hai hạng mục và dính vào vành đai 1.” - bà Lục Lan Hương nói.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố xây dựng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông công cộng của Hà Nội là việc làm cấp thiết phục vụ nhu cầu của người dân. Trong quá trình xây lập dự án cần có biện pháp hạn chế giải phóng mặt bằng để giảm chi phí, tránh để tình trạng tạo ra nhiều con đường đắt nhất hành tinh. Cơ quan quản lý nhà nước cần thông tin sớm hơn, đối thoại với người dân để giải quyết mọi việc trước khi trở nên phức tạp dẫn đến khiếu kiện đông người.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói: “Việc người dân treo băng rôn chưa thực sự là một biểu hiện lành mạnh nhưng người dân cũng có lý để thể hiện ra những bức xúc của mình. Hà Nội cần xem xét xây dựng hệ thống quản trị đảm bảo sự công khai minh bạch, đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình giám sát như là lấy ý kiến về quy hoạch và trách nhiệm giải trình của có quan quản lý. Nguyện vọng của người dân về việc đối thoại với thành phố Hà Nội là hoàn toàn chính đáng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa cho biết, dự án mở rộng đường vành đai 1 là chủ trương của thành phố Hà Nội. Từ ngày 29/6 – 10/7, UBND phường đã phối hợp với các đơn vị thực hiện xong việc cắm mốc giới quy hoạch và phục hồi mốc giới dự án tuyến đường vành đai 1 và đường La Thành. Sau khi các hộ dân mặt đường Đê La Thành có đơn kiến nghị, UBND phường đã cử cán bộ xuống để vận động người dân chấp hành chủ trương và đã tổ chức tiếp các hộ dân bên dãy nhà lẻ trên đường Đê La Thành.
Theo lý giải của ông Phạm Việt Cừ, dự án đường vành đai 1 và đường Đê La Thành là hai dự án độc lập với nhau được thể hiện tại Quyết định 2577 của UBND thành phố Hà Nội. Dự án đường Đê La Thành không phải là một hạng mục nằm trong dự án đường vành đai 1. Việc xác minh nguồn gốc đất phụ thuộc vào giấy tờ nhà đất, căn cứ pháp lý chứ không phụ thuộc vào việc gọi đây là “dải đất” hay không?
Ông Phạm Việt Cừ kiến nghị cần quan tâm đến cuộc sống và lợi ích của người dân và đã đề xuất những nguyện vọng, mong muốn của người dân lên UBND quận Đống Đa để kiến nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: “Đối với các hộ dân chưa đồng thuận với phần mở đường của UBND thành phố thì phường cũng tiếp thu các ý kiến và báo cáo UBND quận, quận đã báo cáo thành phố. Hiện nay nguyện vọng của người dân là UBND thành phố đối thoại với nhân dân giải thích về việc mở đường để nhân dân được hiểu thêm”.
Hiện nay, dự án mở rộng đường vành đai 1 từ Hoàng Cầu-Voi Phục vẫn đang ở trong quá trình quy hoạch công khai thuộc dự án quy hoạch tổng thể thành phố. Trong đó có việc phát triển kết cấu hạ tầng thành phố sẽ cần xây dựng các điểm giao thông tĩnh, cây xanh công cộng, đáp ứng nhu cầu lợi ích chung của cộng đồng.
Để giải quyết kiến nghị của người dân, UBND thành phố cần tổ chức buổi đối thoại nhằm làm rõ mục tiêu của dự án này và lý giải nguyên nhân vì sao chọn khu vực này xây dựng bãi đỗ xe và công viên cây xanh, đồng thời cân nhắc những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở khu vực bị giải tỏa trong thời gian tới.