16.800 lượng vàng miếng SJC dự kiến cung ra thị trường, thế nhưng khối lượng trúng thầu chỉ đạt 3.400 lượng, tương đương khoảng 20%. Như vậy, 80% vàng đấu thầu bị "ế" trong phiên đấu thầu ngày 23/4.
Đáng chú ý, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, có 11 đơn vị tham gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với giá cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và gái trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Tình trạng đấu thầu vàng bị "ế" không phải là "chưa từng có tiền lệ". Trước đó, vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã từng tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Trong đó, tại phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/3/2013 với 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký, nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu. Điều đáng nói, chỉ có 2 đơn vị trúng thấu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Mỗi đơn vị trúng thầu 1.000 lượng. Như vậy, ở phiên đấu thầu đầu tiên này Ngân hàng Nhà nước "ế" 24.000 lượng vàng.
Nhiều công ty vàng thời điểm đó giải thích lý do không tham gia đấu thầu là vì mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra quá cao, chưa hợp lý, trái hẳn với dự đoán của doanh nghiệp.
Kịch bản này cũng tương tự như tại phiên đấu thầu vừa diễn ra ngày 23/4. Tuy nhiên, việc "ế" thầu dường như là kết quả đã được thị trường dự đoán được. Theo chuyên gia Trần Duy Phương, về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ mua vàng đấu thầu để bù đắp trạng thái âm, tuyệt đối không mua để đầu cơ. Như vậy, với giá đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước không rẻ hơn thị trường mà lại phải mua với số lượng lớn nên doanh nghiệp sẽ rất cân nhắc. Và đúng như dự báo của ông, trong lần đấu giá đầu tiên, khối lượng vàng được dự kiến tung ra thị trường đã không hấp thụ hết.
Vị Tổng Giám đốc của một ngân hàng lớn cũng nói với Dân Việt: Biên lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/lượng, trong khi rủi ro về biến động giá mạnh, khi giá vàng trên thị trường thế giới cũng đang "lên – xuống" với các bước sóng lớn. Điều này khiến cho ngân hàng, doanh nghiệp vàng rất quan ngại và phải "cân não" khi tham gia đấu thầu.
Thực tế, theo quan sát của PV Dân Việt, tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu giá vàng miếng (sáng 23/4), giá vàng miếng SJC được các thương hiệu vàng mua vào quanh mức 80 triệu đồng/lượng, thậm chí có những cửa hàng thu mua vàng miếng SJC ngoài thị trường chỉ với giá hơn 79 triệu đồng/ lượng. Còn, giá vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán ra là 81,32 triệu đồng/ lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại các cửa hàng kinh doanh vàng chỉ dao động ở mức 83,3 triệu đồng/lượng.
"So với giá trúng đấu thầu, biên lợi nhuận cho các ngân hàng, doanh nghiệp vàng rất thấp, trong khi đó rủi ro về giá rất lớn. Thời gian qua, việc giá vàng lên xuống 2- 3 triệu đồng/lượng mỗi ngày không còn là chuyện lạ. Rõ ràng, rủi ro với các doanh nghiệp tham gia đấu thầu và trúng thầu là rất lớn", vị này nhấn mạnh và cho biết, đây cũng là lý do ngân hàng này đứng ngoài "cuộc chơi" này.
Trong khi đó, mức đặt thầu tối thiểu (Mỗi đơn vị dự thầu phải mua ít nhất 1.400 lượng vàng miếng SJC), được đánh giá là quá cao so với nhu cầu thị trường hiện nay. Dẫn số liệu từ một khảo sát cho thấy, nhu cầu vàng miếng SJC bình quân toàn thị trường vào khoảng 200-300 lượng/ngày. Ngày cao điểm ghi nhận mức bán ra 400 lượng - gần như cao nhất kể từ đầu năm nay. Vì vậy, với khối lượng mua tối thiểu 1.400 lượng, câu hỏi đặt ra với doanh nghiệp là tiêu thụ thế nào và bán cho ai, bán trong bao lâu?. Đó là bài toán về hiệu quả, doanh nghiệp "cân đong" khi đưa ra quyết định.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) thừa nhận: "Các công ty vàng sẽ phải tính toán rằng mua giá đó thì bán cho ai. Thông thường phải có đầu ra các công ty mới dám mua, mà chủ yếu 70% sẽ là bán sỉ, 30% còn lại mới bán lẻ. Trong khi những ngày gần đây giá vàng thế giới biến động trong biên độ rất rộng nên các công ty vàng tham gia đấu thầu sẽ phải rất cân não".
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện tại giá vàng trên thế giới biến động mạnh, trong khi đó giá vàng trong nước phụ thuộc vào biến động của giá vàng thế giới. Do đó, sẽ có những doanh nghiệp ngại "bỏ cục tiền, ôm rủi ro".
Giới phân tích cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước theo đuổi quan điểm là tăng cung vàng ra thị trường bằng việc tiếp tục đấu thầu vàng, cơ quan này nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một đơn vị được phép đặt thầu là xuống 500 lượng, thậm chí 300 lượng. Đồng thời, xem xét mức giá cọc, giá sàn cho các đối tượng tham gia đấu thầu. Theo đó, mức giá hợp lý chỉ nên "vênh" từ 3 – 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, thay vì "bám" theo giá mua – bán SJC tại thị trường trong nước như hiện nay. Bởi mức "giá mềm" sẽ hấp dẫn các đơn vị kinh doanh vàng tham gia vào phiên đấu thầu, tăng cung cho thị trường, đảm bảo Nhà nước vẫn có lãi và mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước mới đạt được.
Về lâu dài, GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.
"Mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch. Trước đây, hóa đơn được thực hiện bằng bản giấy, kể từ ngày 15/7/2022 được thực hiện bằng hóa đơn điện tử. Ngay cả hoạt động kinh doanh xăng dầu bán lẻ, kể từ ngày 1/4/2024 bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu mua bán vàng mà không thực hiện thì không công bằng với các mặt hàng khác", ông Đạt nói.