Giá dầu thô Brent kỳ hạn đã ổn định ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 hôm 10/9, sau khi OPEC điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu trong năm nay và 2025.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 2,65 USD, tương đương 3,69% ở mức 69,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,96 USD/thùng, tương đương 4,31%, ở mức 65,75 USD/thùng.
Cả 2 loại dầu đều giảm hơn 3 USD trong phiên sau khi tăng khoảng 1% hôm 9/9. Giá dầu WTI đã về mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Hôm 10/9, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC ) cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày (bpd) trong năm nay, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 2,11 triệu bpd trước đó. Cho đến tháng trước, OPEC vẫn giữ nguyên mức dự báo 2,11 triệu bpd kể từ lần đầu đưa ra dự báo vào tháng 7/2023.
OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 xuống còn 1,74 triệu bpd từ mức 1,78 triệu bpd. Giá dầu giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu và tình lo ngại tình trạng dư cung dầu .
Trong một dự báo tách biệt, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng kỷ lục trong năm nay, trong khi mức tăng sản lượng lại thấp hơn dự báo.
EIA cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt trung bình 103,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn khoảng 200.000 bpd so với dự báo trước đó là 102,9 triệu bpd.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn giảm mạnh sau dự báo của EIA, cho thấy thị trường lo ngại của giới đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Dữ liệu công bố hôm 10/9 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng cao nhất trong 18 tháng qua nhưng nhập khẩu lại gây thất vọng do nhu cầu nội địa giảm.
Trong khi đó, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2020 vào tuần trước do nguồn cung xăng và dầu diesel tăng.
“Gần như không có sự tăng trưởng nhu cầu dầu ở các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. Các biện pháp kích thích tài khoá ở Trung Quốc không thúc đẩy được lĩnh vực xây dựng; đó là một lý do lớn khiến nhu cầu dầu diesel ở Trung Quốc đang giảm”, Clay Seigle – nhà phân tích thị trường dầu mỏ cho biết.