Chia sẻ tại buổi Livestream trực tiếp số thứ ba với chủ đề Ngành ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn, trong Chuỗi Chương trình Tư vấn Đầu tư của Chứng khoán SSI trên Fanpage của VTV24 Money và Fanpage Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSI AM) đã đề cập lý do chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) được ưa thích sử dụng để định giá hơn P/E (thị giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) trong lĩnh vực tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng.
Theo ông Hạnh, hệ số P/B thường được sử dụng định giá vì đặc thù của nhóm ngân hàng là kinh doanh dựa trên hiệu suất của tài sản. Khi có một sự thay đổi trong chất lượng tài sản, lợi nhuận thay đổi rất lớn. Trong năm 2021, lãi suất đầu vào cho các khoản tiền gửi giảm, biên lãi thuần cải thiện, giúp ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.
Ông Hạnh cũng đề cập tại thời điểm rổ VNFinLead hình thành, P/B chỉ khoảng 1 lần vào đầu năm 2019. Đến nay, lợi nhuận ngân hàng tăng, thị giá cũng đi lên, con số này ở mức hơn 2 lần.
Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank cũng cho rằng một ngân hàng có giá trị số sách tốt và chỉ số P/B thấp biểu hiện cho sự lành mạnh nhất định. Nếu kết hợp P/E và P/B, nhà đầu tư sẽ có một đánh giá sơ lược về ngân hàng. Đi sâu hơn, nhà đầu tư có thể quan tâm đến chất lượng tài sản như chỉ nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hay cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn, danh mục đầu tư…
Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, bà Hoàng Việt Phương cũng đề cập, dưới góc độ nhà đầu tư, có hai nhóm chỉ tiêu cần quan tâm khi xem xét một ngân hàng. Nhóm thứ nhất là về hiệu quả hoạt động gồm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), biên lãi thuần (NIM).
"ROE càng cao càng tốt. Giai đoạn 2012-2016, ROE của các ngân hàng dao động 10,5-12%. Gần đây, con số này đã tăng mạnh lên 15-20%, cá biệt một số đơn vị vượt 20%", bà Phương nhận định.
Các chuyên gia chia sẻ tại Chương trình Tư vấn Đầu tư của Chứng khoán SSI. Từ phải qua: ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), Biên tập viên Huy Hoàng.
Nhóm thứ hai, theo bà Phương là số liệu về nợ xấu và bao phủ nợ xấu. Năm 2021, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống cao khoảng 2,25%, đến nay giảm còn 1,3%.
Đề cập đến việc trích lập nợ xấu của ngân hàng, ông Nguyễn Hưng chia sẻ ngân hàng thường có hai loại trích lập, một là trích lập dự phòng chung bằng 0,75% tổng dư nợ cho vay và dự phòng cụ thể với phần nợ xấu phát sinh theo từng nhóm nợ.
Theo ông Hưng, tỷ lê bao phủ nợ xấu càng cao, trên 100% cho thấy việc xử lý nợ xấu của ngân hàng tốt và duy trì số nợ xấu thấp hơn số dự trữ. Việc để tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp ngân hàng trích đủ dự phòng và có thể “write-off”, xóa nợ xấu lâu ngày khỏi bảng cân đối ké toán, khi đó quỹ dự phòng thấp xuống nhưng nợ xấu cũng thấp hơn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản càng tốt.