Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2016, Việt Nam có gần 500.000 DN, trong đó có hơn 97% là DNVVN. Trong số DNVVN thì có đến 60% DN có quy mô rất nhỏ, vốn cũng như điều kiện kỹ thuật rất lạc hậu. Do đó, hiệu quả kinh doanh chưa cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Thực tế cho thấy, nhu cầu tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển của DN rất lớn. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn đến 60% DN chưa tiếp cận được vốn vay.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, thậm chí phải đi vay “tín dụng đen” để sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.
Tại một hội thảo liên quan đến vấn đề vay vốn ưu đãi, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, một DN sản xuất nông nghiệp hữu cơ băn khoăn: Cần phải minh bạch thông tin, chứ thực tế do thông tin không rõ ràng, có không ít DN bị mắc “bẫy tín dụng”, năm đầu được vay với lãi suất tốt, những năm sau DN vướng khó khăn thì lãi suất tăng 2,3 lần, đẩy DN vào chỗ khốn đốn?
Giải thích vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay nguồn vốn cho vay là nguồn vốn huy động. Như trong những tháng đầu năm, vốn huy động được 2.192.000 tỷ đồng thì trong đó vốn huy động có kỳ hạn chỉ 21%, còn lại 79% là huy động vốn ngắn hạn. Do đó, việc lấy huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn thì cho phép, nhưng ở tỷ lệ nhất định. Thường thì, vay trung và dài hạn lãi suất ổn định 1-2 năm đầu, sau đó có sự thỏa thuận lại.
Đại diện VietNamFarm cho rằng, DN thực hiện mô hình hợp tác với nông dân, DN sẽ lo “đầu ra” sản phẩm của nông dân. Nhưng thực tế, nông dân không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, mà DN cũng không đủ vốn để cung cấp cho nông dân. Vậy, có gói tín dụng nào của ngân hàng cho vay theo mô hình này?
Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết: Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, Ngân hàng SCB ký hợp tác với 2 tổ chức là Liên minh hợp tác xã (HTX) và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, để hình thành chuỗi giá trị. Vậy khi DN tham gia chuỗi giá trị thì tài chính cũng sẽ tham gia theo vào chuỗi ấy. Vậy, để người nông dân tiếp cận được vốn ngân hàng mà không có tài sản đảm bảo, thì họ phải tham gia vào chuỗi giá trị, ông Huy giải đáp vướng mắc của đại diện VietNamFarm.
Hiện TP Hồ Chí Minh có rất nhiều chương trình ưu đãi vốn dành cho DN như: Chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình hỗ trợ ưu đãi kích cầu, chương trình hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ... Riêng chương trình kết nối ngân hàng - DN TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền các ngân hàng thương mại giải ngân (theo gói cam kết hỗ trợ gần 260.000 tỷ đồng) là hơn 123.000 tỷ đồng cho gần 2.700 DN vay.
Ngoài ra, chương trình cũng ký kết hỗ trợ vốn 120 DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay gần 7.000 tỷ đồng vốn ưu đãi. Các quận huyện cũng tổ chức kết nối gần 200 DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên được vay hơn 4.400 tỷ đồng...
Có 5 lĩnh vực ưu tiên được vay vốn ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND TP Hồ Chí Minh, gồm: phát triển nông thôn, DNVVN, DN xuất khẩu, Công nghiệp hỗ trợ, DN sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao. Các DN vay ngắn hạn thì lãi suất phổ biến 7-8%, vay trung hạn và dài hạn 9-10%.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng TP cũng tích cực xử lý nợ xấu để có thêm nguồn vốn dồi dào cho DN vay. Tính đến cuối tháng 5-2018, nợ xấu của TP Hồ Chí Minh chỉ còn 3%. Nếu trừ đi nợ xấu của 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng thì nợ xấu tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn 1,7%. Đây là con số thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nên TP có thêm nguồn vốn để hỗ trợ DN vay.
Nói về việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn giá rẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh không thiếu vốn cho DN sản xuất kinh doanh, ngay cả khi vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn thường rất cao”.
Tuy nhiên, ông Minh khẳng định, thời gian qua các ngân hàng mở rộng cửa cho DNVVN. Thế nhưng, những vấn đề tồn tại của chính DN lại là rào cản để họ tiếp cận vốn. Cụ thể, nhiều chủ DN không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hiện tượng hai sổ sách kế toán, nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến cho ngân hàng ngần ngại khi cho DN vay vốn. Rất nhiều DNVVN hiện vẫn giữ hình thức này.
“Thực tế, việc hiểu rõ thực trạng hoạt động của DN qua hồ sơ kê khai thuế minh bạch là rất cần thiết để DN và ngân hàng có thể đi đường dài cùng nhau”, ông Minh thông tin.