Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 29.000 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế trong 9 tháng, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp chi hơn 142.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo quy định mới tại Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn), hoặc vi phạm pháp luật.
Nhóm các công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Trung Nam cũng chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại từng phần các lô trái phiếu trước hạn. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) thanh toán 2.800 tỷ đồng trái phiếu dù chưa đến hạn, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023.
Sang đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp mua lại trái phiếu trước hạn.
Ngày 3/10, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỷ đồng trái phiếu và hoàn tất hết nợ đối với hai lô trái phiếu (REEBOND2017-01, REEBOND2017-02).
Ngày 4/10, Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán VIX thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu VIX phát hành (mã VIXH2124002) ngày 4/10/2021.
Trước đó, ngày 10/6, Chứng khoán VIX đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ 3.000 trái phiếu mã VIXH2124001 với tổng giá trị là 300 tỷ đồng. Như vậy, sau 1 năm phát hành, Chứng khoán VIX sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành trong năm 2021.
Kế hoạch phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm (thống kê: VMBA)
Theo VMBA, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2022 có 25 đợt phát hành riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 15.300 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá hơn 230 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành hơn 9.600 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank phát hành nhiều nhất với hơn 3.000 tỷ đồng, theo sau là VPBank với 2.000 tỷ đồng, OCB với 1.800 tỷ đồng, SeABank với 750 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai về khối lượng phát hành, duy nhất Công ty CP No Va Thảo Điền phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba có CTCP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, CTCP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.