Do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm thời gian qua, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An (TP.Thuận An) chỉ còn duy trì hơn 500 lao động. Trong khi trước dịch Covid-19, tổng số lao động của công ty từ 700-800 người.
Bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc công ty cho biết, đơn hàng xuất khẩu gỗ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 7 vừa qua.
Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 100 lao động cho cả 2 nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương và Bình Phước. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa tuyển dụng đủ lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, hiện một số doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết được nhiều đơn hàng. Các doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Dương có 3.210 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; tăng 129% so với quý I/2024 và tăng 127% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm là hơn 40.800 lao động; tăng 80,5% so với quý I/2024 và tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại buổi làm việc với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về thị trường việc làm tại địa phương, ngày 8/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh đã giới thiệu việc làm cho hơn 54.000 người và tạo thêm 17.500 việc làm, đạt 47,4% kế hoạch năm.
Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tính đến cuối tháng 5/2024 là 39.176 người.
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở cho biết, thực tế, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn nhưng lại gặp nhiều khó khăn mặc dù số lao động thất nghiệp vẫn nhiều.
Theo ông Tuyên, số lượng lao động thất nghiệp phần nhiều trong độ tuổi từ 40 trở lên. Trong khi phần lớn doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu tuyển dụng với độ tuổi nhỏ hơn 40 tuổi.
Khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chưa quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện.
Vì vậy, việc kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho đối tượng này thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm, và chấm dứt hưởng trợ cấp khi đã có việc làm mới.
Đồng thời, người lao động phải nộp hợp đồng lao động đã ký kết trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Những quy định này dẫn đến tình trạng nhiều lao động không có nhu cầu tìm việc làm chính thức mà chỉ muốn tìm kiếm việc làm thời vụ.
Một nguyên nhân nữa, sau dịch Covid-19, nhiều công ty đã tái cơ cấu sản xuất và tự động hóa, dẫn đến thừa lao động phổ thông. Như trường hợp của Công ty TNHH Sài Gòn STEC ở KCN VSIP II đang có khoảng 700 lao động phổ thông dôi dư so với kế hoạch.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm đề nghị tỉnh Bình Dương cần khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình dịch chuyển, nhu cầu lao động theo từng ngành nhằm đưa ra dự báo tuyển dụng chính xác, lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.
Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành khác để nắm bắt tình hình dịch chuyển lao động, tránh tình trạng thừa, thiếu lao động và lãng phí nguồn lực chất lượng cao.