Dù được đánh giá là đã đầu tư mạnh cho máy móc thiết bị sản xuất, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài cuộc chơi của các doanh nghiệp FDI, mà lí do chính là do vận hành doanh nghiệp chưa hiệu quả, chưa theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Trong buổi đào tạo, tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô, điện tử, năng lượng... tổ chức mới đây trong khuôn khổ Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP), ông Mike Dickinson, Cố vấn cấp cao SDP của IFC cho biết, qua khảo sát thực tế, ông khá ngạc nhiên khi doanh nghiệp Việt Nam "mạnh tay" trong việc đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ.
"Các doanh nghiệp cung ứng đều có thiết bị rất tốt, rất mới, thậm chí công nghệ từ một số nhà cung cấp thuộc nhóm dẫn đầu. So với quốc gia khác, doanh nghiệp Việt Nam có thiết bị và công nghệ tốt hơn nhiều", ông Mike nhận xét.
Mặc dù vậy, trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017 cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam chỉ là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Đáng chú ý, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào con số 33,2% này là rất thấp, chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%...
Điều gì đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam vẫn "ì ạch" trong việc cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chưa đặt chân vào chuỗi giá trị của toàn cầu của những doanh nghiệp này?
Theo ông Mike, lý do là bởi các doanh nghiệp Việt Nam chưa cùng nói chung một thứ "ngôn ngữ" với các doanh nghiệp FDI. Thứ ngôn ngữ đó chính là hệ thống quản lý, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thiết lập mối quan hệ hợp tác đa quốc gia.
"Trong một số trường hợp, các nhà cung ứng của Việt Nam thiếu hụt kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế. Có thể những bộ tiêu chuẩn quốc tế như APQP không phải là cần thiết với các doanh nghiệp hiện nay nhưng về dài hạn, đây là "công cụ" để giao tiếp với các công ty đa quốc gia", ông Mike nhìn nhận.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quang, CEO của Công ty Cơ khí Mạnh Quang cho hay, Mạnh Quang chuyển từ hoạt động trên thị trường tự do sang hợp tác với doanh nghiệp FDI lớn như Honda, nên thời gian đầu doanh nghiệp gặp rất nhiều áp lực từ quá trình kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt từ phía đối tác.
"Để cung cấp cho bất kỳ một công ty lớn nào, doanh nghiệp đều phải đạt được tiêu chuẩn của họ. Nhưng các công ty của Việt Nam đa phần đều thiếu sự chuyên nghiệp và làm theo cảm tính, thói quen. Vì thế, phải thay đổi, thích ứng, cải tiến để đạt được cùng bộ tiêu chuẩn của họ thì mới có cơ hội cho hợp tác", ông Quang nêu quan điểm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Linh, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cùng quan điểm. Đại diện VASI cho rằng việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn ban đầu sẽ làm doanh nghiệp tiêu tốn một khoản chi phí như thuê chuyên gia tư vấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận... "Đây là một khoản chi phí khá lớn", ông Linh nhận định. Song vị này cho rằng, về lâu về dài, việc áp dụng quy trình cải tiến sẽ đem lại hiệu quả nhất định như giúp doanh nghiệp cải thiện công tác quản trị, nâng cao chất lượng hàng hoá và tiết giảm chi phí phát sinh.
Tuy vậy, rào cản lớn hơn cho sự thay đổi của doanh nghiệp, theo ông Linh, chính là cản trở từ tư duy của chủ doanh nghiệp, của người lao động về sự cần thiết của những thay đổi. "Rất nhiều người lao động không thể hấp thụ được những tiêu chuẩn mới. Đây là một cái khó mà doanh nghiệp phải đối mặt", ông Linh khẳng định.
Tương tự, ông Quang cũng cho rằng đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp của ông phải vượt qua để có chỗ đứng trong chuỗi sản xuất của Honda. "Người lao động phải hiểu được từng bước của bộ tiêu chuẩn, tác động của những bước này đến quá trình hình thành sản phẩm. Người lao động phải ý thức, tuân thủ chặt chẽ việc đảm bảo quy trình cho đúng thì mới tạo được chất lượng. Việc thay đổi tư duy người lao động và cả một bộ máy là khó khăn lớn nhất", ông Quang bày tỏ.
SDP sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam xuyên suốt chuỗi giá trị trong các ngành mục tiêu. Chương trình giúp các nhà cung cấp trong nước cải thiện hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia (MNE) về chất lượng, giá thành, và giao hàng, cũng như các yêu cầu khác. Khi đã đáp ứng các yêu cầu này, nhà cung cấp sẽ được kết nối với các MNE để tiếp cận cơ hội cung ứng sản phẩm.