Ngoài chương trình ưu đãi kéo dài trong nhiều tháng nay, mới đây, mẫu Mitsubishi Pajero Sport 2021 được công bố giảm mạnh với mức kỷ lục 120 triệu đồng tại các đại lý.
Honda CR - V vẫn được nhiều đại lý áp dụng giảm tiền mặt cao nhất đến 100 triệu đồng. Trước đó, trong tháng 8, có thời điểm mẫu xe SUV này nhận tổng ưu đãi lên đến hơn 200 triệu đồng cả giảm tiền mặt và phí trước bạ.
Đặc biệt, tháng 9 này, bán tải Ford Ranger cũng được các đại lý điều chỉnh giảm giá lên tới 70 triệu đồng.
Mặc dù liên tục giảm giá, ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn ghi nhận doanh số thấp kỷ lục. Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 8/2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 8.884 xe, giảm 45% so với tháng 7/2021 và giảm 57% so với tháng 8/2020.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thị trường ô tô bị sụt giảm doanh số bán lẻ, và là tháng có doanh số bán thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ 2015 đến nay.
Vậy lý do gì khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn tiếp tục đứng trước một tương lai ảm đạm?
VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4 đến nay, nhiều nhà máy ô tô đã phải tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp còn hoạt động thì lại gặp một trở ngại khác, đó là số lượng xe tồn kho rất lớn, do việc dừng hoạt động của các đại lý.
Ước tính, khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa, và chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động. Có thể nói, chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%. So với thời điểm tháng 8/2019 khi dịch Covid chưa xuất hiện, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đã giảm tới 18%.
VAMA cũng cho biết thêm, do tiêu thụ ô tô vào cuối năm 2020 và quý I/2021 khả quan nên đã đẩy mạnh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, sang quý II/2021, khi dịch Covid bùng phát với diễn biến phức tạp kéo dài, nhu cầu giảm đột ngột, đã dẫn đến tồn kho lớn.
Vào cuối tháng 7/2021, từ số liệu của Bộ Công Thương, VAMA và Tổng cục Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp tồn kho hơn 40.000 ô tô. Hết tháng 8, lượng tồn kho tăng ước tính vượt trên 50.000 xe các loại. Các doanh nghiệp ô tô rơi vào tình trạng thừa cung, tồn kho cao và có nguy cơ đứt thanh khoản.
Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường xe trước ảnh hưởng dịch Covid-19, VAMA cũng đã có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô.
Đầu tháng 8/2021, UBND các tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cho giai đoạn từ sau năm 2022. Đồng thời, cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thị đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian phù hợp, tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Đến ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Trước đó, trong tháng 8/2021, Bộ KH&ĐT đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng tiếp tục gia hạn việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.