Theo cập nhất mới nhất của kênh CNN đã có hơn 3800 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và con số thương vong dự kiến sẽ tăng lên khi các dư chấn dội lại suốt cả ngày.
Tâm chấn nông gần khu dân cư
Có nhiều nguyên nguyên nhân khiến trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây thiệt hại cực lớn về người và của, bao gồm thời gian xảy ra, vị trí, đường đứt gãy tương đối yên tĩnh và kết cấu yếu của các tòa nhà bị sập.
Trận động đất gây ra sự tàn phá khủng khiếp một phần vì sức mạnh của nó — đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Hơn nữa, trận động đất mạnh này đã tấn công vào khu vực đông dân cư.
Một lý do khác là nó xảy ra lúc 04 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) khi nhiều người còn đang say giấc và nhanh chóng bị chôn vùi khi nhà cửa sập xuống. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu, không thể kịp thời giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt.
Hiện trường đổ nát do trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2. Ảnh: CNN
Nhà địa chấn học Susan Hough của Cơ quan địa chấn Mỹ (USGS) nhận định trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây thiệt hại nặng nề vì vị trí và độ sâu tâm chấn.
"Thế giới từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh hơn vậy trong 10-20 năm qua nhưng các chấn động gần 8 độ thường không xảy ra ở các vị trí đứt gãy nông" - bà Hough viết trên Twitter - "Chúng đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn ở gần các khu vực tập trung đông dân cư".
Thực tế, sự việc không chỉ tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ảnh hưởng đến cả các nước láng giềng như Syria, Lebanon, Cyprus. Khu vực Tây Bắc Syria được coi là một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Tâm chấn của trận động đất hôm 6-2 nằm ở độ sâu tương đối nông - khoảng 17,9 km - gần TP Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người.
Xây dựng không phù hợp
Theo Roger Musson, tác giả của cuốn sách "Triệu trận động đất": "Nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được xây dựng phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn".
Martin Mai, giáo sư địa vật lý tại Trường ĐH King Abdullah (Ả Rập Saudi), nhận định tương tự: "Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xây bằng gạch, không có cốt thép. Khung bê tông cũng thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh".
Một số nhân chứng cho biết những tòa nhà được xây dựng theo quy chuẩn chống động đất vẫn đứng vững, trong khi nhiều căn nhà xung quanh sụp đổ, thậm chí bốc cháy.
Nhân viên cứu hộ đưa một người sống sót ra khỏi đống đổ nát ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-2. Ảnh: Reuters
Để đối phó với trận động đất năm 1999, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật vào năm 2004 yêu cầu tất cả công trình xây dựng mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn chống động đất.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã coi điều này là ưu tiên chính trị sau khi một trận động đất khác tấn công bờ biển Aegean vào năm 2020 khiến 114 người thiệt mạng.
Trước thảm họa mới nhất, bà Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thảm họa của Trường ĐH College London (Anh), đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra xem luật pháp có được tuân thủ hay không.
Bà cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem xét "liệu có khả năng cải thiện sự an toàn của các tòa nhà cũ hơn hay không". Còn Bill McGuire, nhà nghiên cứu núi lửa tại Trường ĐH College London (Anh), nói rằng: "Ở Syria, nhiều cấu trúc đã bị suy yếu sau hơn một thập kỷ chiến tranh".