Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam ở TP.Biên Hòa chuyên sản xuất đế bảng mạch in điện tử. Tại thời điểm thành lập năm 1995, công ty đã là một công ty công nghệ cao, với công nghệ phòng sạch, công nghệ khoan, công nghệ mạ thẳng đứng...
Ông Hồ Quang Nam - Phó tổng giám đốc cho biết thay đổi công nghệ diễn ra quá nhanh trong trong giai đoạn công nghiệp 4.0. Từ đầu năm 2023, công ty bắt đầu thay đổi công nghệ sản xuất, thay đổi định hướng sản phẩm từ các loại bo mạch điện tử thấp lớp lên các chủng loại bo mạch cao cấp, nhiều lớp sử dụng trong cách lĩnh vực công nghệ cao như server, notebook,...
Năm 2023, công ty đầu tư 20 triệu USD cho việc chuyển đổi này, chú trọng tự động hóa các dây chuyền trong nhà máy. Dây chuyền nạp và lấy bo mạch được điều khiển tự động bằng các cánh tay robot để thay thế lao động thủ công trước đây.
Để kết nối IoT, công ty cũng đầu tư máy móc có hệ thống AI giúp kết nối hệ thống tự động hóa, giám sát sản xuất, theo dõi hoạt động của máy móc, dây chuyền hàng giờ. Những chuyển đổi này giúp công ty tạo ra một quy trình sản xuất nhanh, linh hoạt và hiệu quả cao hơn.
Theo ông Nam, quá trình thay đổi công nghệ không dễ dàng. Bên cạnh các đòi hỏi tất yếu về kiến thức công nghệ, về vốn đầu tư, doanh nghiệp phải có sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi. "Vì sự tồn vong và phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi buộc phải thực hiện để bắt kịp xu thế mới của thời đại", ông Nam nói.
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng KCN và thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Đồng Nai đã có 1.652 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,61 tỷ USD.
Công nghiệp Đồng Nai đã có những bước tiến trong áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ cũ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
"Do đó, tỉnh xác định chuyển đổi công nghệ không chỉ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững và thân thiện với môi trường", bà Hoàng nói.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền tảng cho ngành công nghiệp Đồng Nai bứt phá đến năm 2050 là các bước tiến trong khoa học kỹ thuật, ứng dụng mô hình công nghiệp 4.0, mô hình sản xuất thông minh vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì thế, giai đoạn 2022-2025 là thời kỳ tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Giai đoạn 2025-2030, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh dẫn đầu trong phát triển công nghiệp. Cùng với đó là đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các trung tâm đổi mới sáng tạo, hình thành sơ bộ hệ sinh thái công nghiệp 4.0 ở tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, không chỉ trong nước mà thế giới đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ chỉ vì theo đuổi những công nghệ lạc hậu. Đồng Nai có tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về công nghệ hay không thì chuyển đổi khoa học công nghệ là cốt lõi.
Theo đó, Bí thư đề nghị cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy nghiên cứu công nghệ, và Nhà nước sẽ đóng vai trò "bà đỡ" hỗ trợ kinh phí. Thực tế thời gian qua, tỉnh vẫn chưa dùng hết kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này. Đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp.
Đồng Nai cần có chế tài để dừng các doanh nghiệp đã hết vòng đời dự án, công nghệ lạc hậu, vi phạm các tiêu chuẩn quy định. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, các doanh nghiệp cần thấy chuyển đổi công nghệ là nhu cầu tự thân "chứ không do ai cả". Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng cần phân loại, đánh giá cụ thể thực trạng những doanh nghiệp đang sở hữu công nghệ lạc hậu.
Thậm chí, UBND tỉnh có thể công bố công khai danh mục các doanh nghiệp này để tạo áp lực buộc thích nghi và chuyển đổi.
"Là tỉnh có vị trí đắc địa đối với các nhà đầu tư, Đồng Nai không chấp nhận một không gian công nghiệp đang sở hữu những công nghệ lạc hậu", Bí thư tỉnh ủy đề nghị.