Nắm bắt cơ hội để du lịch không đi trước về sau
Cách đây 1 năm, khi mở cửa du lịch trở lại, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới nhận định là một trong những quốc gia có chính sách mở cửa cởi mở. Sau 1 năm, du lịch Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, nhất là du lịch nội địa với 103 triệu lượt khách. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế mới đạt gần 3,7 triệu lượt người, chưa được như kỳ vọng. Thái Lan đến tháng 7/ 2022 mới mở cửa hoàn toàn, sau Việt Nam 4 tháng nhưng năm ngoái nước này đón tới 11 triệu khách quốc tế, gấp 3 lần Việt Nam. Con số này ở Singapore là 6,3 triệu lượt người.
Những "điểm nghẽn" du lịch Việt Nam vẫn tồn tại bấy lâu nay và đã được chỉ rõ nhiều lần như: Chất lượng và sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; việc hoạch định chiến lược về thị trường còn hạn chế; hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế… Đây có lẽ chính là những nguyên nhân dẫn đến một thực tế là du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm".
"Đi trước nhưng lại về chậm" là cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về du lịch diễn ra trong tuần. Sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ đã được thể hiện qua hàng loạt các câu hỏi được Thủ tướng đặt ra với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.
Cụ thể, Thủ tướng đặt câu hỏi: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, vậy đâu là nguyên nhân chủ quan khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm". Tại sao tỉ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đã đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Hay tại sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Các câu hỏi trên cần được trả lời thấu đáo, có giải pháp hiệu quả bởi chừng nào những vấn đề đó vẫn là câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ là một "Cô gái đẹp đầy tiềm năng".
Bình luận về những việc phải làm tới đây, báo Sài Gòn Giải phóng nhấn mạnh rất cần nắm bắt cơ hội để du lịch không đi trước về sau. Trong đó, thực tế cho thấy, cần phải tập trung nghiên cứu xu hướng để đưa ra các sản phẩm chuyên sâu, linh hoạt theo đúng nhu cầu của thị trường.
Để làm được điều đó, cần có những khảo sát, tìm hiểu, phân tích mang tính quy mô, đồng bộ, chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp để có thể đưa ra những nhận định chính xác về xu hướng, giúp du khách dễ tiếp cận và hiểu về các sản phẩm dịch vụ du lịch của Việt Nam tại từng thời điểm.
Điều này đòi hỏi sự tập trung các nguồn lực, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay xây dựng hình ảnh du lịch của chính người dân tại mỗi điểm đến. Sẽ là trễ nhịp nếu như ngay lúc này, các bộ, ngành không tìm được tiếng nói chung giải bài toán cần làm gì, thay đổi như thế nào để du lịch không tiếp tục rơi vào tình thế "đi trước về sau".
Để Việt Nam không chỉ là điểm đến du lịch giá rẻ
Mục Bình luận của Báo Lao động lại có góc nhìn khác đó là du lịch Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của một quốc gia du lịch giá rẻ, nghĩa là còn cạnh tranh về giá, không phải là cạnh tranh về sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Không chỉ thua thiệt về chính sách visa, chúng ta còn kém cả về mảng chất lượng sản phẩm du lịch.
Báo Giáo dục và Thời đại thẳng thắn: Phải thừa nhận một điều là ngoài phong cảnh trời ban cho - một trong những lý do để thu hút du khách, còn lại chúng ta gần như quá thụ động trong việc bày ra các sân chơi, gọi là các "sản phẩm du lịch" để vừa thu hút, vừa giữ chân du khách và còn đón khách quay trở lại như các nước đã làm.
Trong hàng loạt các giải pháp và nhiệm vụ trong tâm mà người đứng đầu chính phủ đã nhấn mạnh ở Hội nghị giữa tuần đáng chú ý là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý.
Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay thẳng kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Báo Thanh niên cho biết đây đều là các đề xuất, kiến nghị khẩn thiết của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ trước đó. Hay nói cách khác, Thủ tướng đã "điểm trúng huyệt" các nút thắt quan trọng nhất khiến du lịch Việt Nam sau 1 năm mở cửa rơi vào nghịch lý "đi sớm về muộn".
Hiện Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương; thời gian lưu trú thông thường chỉ khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần... Rõ ràng chúng ta "mời khách nhưng lại khép cửa" nên khách ngại không tới cũng là điều dễ hiểu. Hơn ai hết, người đứng đầu Chính phủ hiểu điều này nên đã khẳng định phải mở cửa thay vì khép hờ như hiện nay.
Một tín hiệu vui cho ngành du lịch là bắt đầu từ 15/3, Trung Quốc đã cho phép mở tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực, cơ hội tốt để giúp ngành du lịch nước ta tăng trưởng trong thời gian tới và cán mốc đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 3 năm dịch bệnh, nhanh chóng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới và một trong những yếu tố quyết định là khâu tổ chức thực hiện.
Thủ tướng đã nói rằng tất cả các chủ thể liên quan, trong đó có Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cần chung sức, đồng lòng, chung tay phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập.