Tro xỉ nhà máy nhiệt điện của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đang nằm chờ tại các bãi chứa. Khu vực này được bao quanh bằng đê khá rộng lớn (tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm trong khu vực).
Trong đó, khu vực bãi chứa tro xỉ nhà máy nhiệt điện trước đây được trồng phủ kín phía trên bằng cây bồn bồn, khu vực bãi chứa mới luôn được công nhân tưới nước trên bề mặt liên tục để giữ ẩm, tránh phát tán bụi.
Ngoài ra, tại các bãi chứa tro xỉ còn có bễ chứa nước mưa riêng. Nguồn nước này dùng để tưới giữ ẩm tro xỉ đã nói ở trên.
Bãi chứa tro xỉ nhà máy nhiệt điện của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải rộng khoảng 53,4ha, trong đó, bãi chứa tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 là 31ha, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng là 22ha.
Còn tại các nhà máy, hằng ngày, đều có người điều khiển phương tiện đến lấy, chở tro xỉ đi tiêu thụ. Thông tin từ phía Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho hay, tình hình tiêu thụ tro xỉ trong những năm gần đây đạt 90%.
Riêng gần 4 triệu tấn tro xỉ đang ở bãi chứa là do hình thành từ nhiều năm, cụ thể là kể từ năm 2016 đến nay.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc tồn đọng số lượng tro xỉ nói trên, ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải cho biết, tro xỉ của đơn vị này đã được Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lấy mẫu thử nghiệm cho kết quả đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, tức đạt tiêu chuẩn sử dụng cho san lấp cũng như sử dụng cho bê tông, vữa xây và xi măng.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, việc tro xỉ dùng làm vật liệu san lấp đang gặp khó do Quyết định 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 của Bộ Xây dựng về "Ban hành chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp" có một số điểm chưa hướng dẫn cụ thể.
"Việc không hướng dẫn cụ thể phải kiểm soát như thế nào trong quá trình san lấp về kiểm soát phóng xạ khi thi công của Quyết định 216 đã gây khó khăn rất nhiều", ông Thảo nói.
Từ vấn đề nêu trên, ông Thảo cho biết, Công ty nhiệt điện Duyên Hải đã có kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh và một số đơn vị liên quan hỗ trợ, đề nghị có hướng dẫn, làm rõ hơn Quyết định 216 để có thể phổ biến, sử dụng đại trà tro xỉ làm vật liệu san lấp thay cho cát như hiện nay.
"Các tiêu chuẩn hợp chuẩn, hợp quy đã đạt làm vật liệu san lấp, nhưng hướng dẫn sử dụng chưa rõ, thành ra đơn vị sử dụng cũng lo", ông Thảo nhấn mạnh.
Liên quan việc xử lý tro xỉ của Công ty nhiệt điện Duyên Hải, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thông tin với phóng viên Dân Việt, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, mục 9.3 của Quyết định 216 yêu cầu "kiểm soát các chỉ số hoạt động độ phóng xạ, nồng độ hoạt động phóng xạ và nồng độ khí radon (RA- một loại khí phóng xạ) khi thi công khối san lấp" nhưng chưa nêu cụ thể "số lần, vị trí lấy mẫu" đã gây khó khăn trong thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng quy định khi sử dụng tro xỉ.
Ngoài ra, tại mục 10 của chỉ dẫn kỹ thuật được ban hành kèm theo quyết định 216 về an toàn lao động và bảo vệ môi trường yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tro xỉ để san lấp phải đảm bảo các yêu cầu, bao gồm "công trình san lấp bằng tro xỉ nhiệt điện phải thỏa mãn các điều kiện về môi trường; trước khi san lấp phải tiến hành phân tích nước và phóng xạ của khu vực san lấp và thu thập các tài liệu liên quan; nước rỉ từ khối san lấp trước khi thoát ra môi trường phải đảm bảo yêu cầu đối với tiêu chuẩn nước thải tương ứng…"
Tuy nhiên, yêu cầu nêu trên gây hạn chế cho việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp do yêu cầu này khó thực hiện với những dự án quy mô nhỏ, dẫn đến khó cạnh tranh với các vật liệu san lấp khác.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ tro xỉ của các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải cũng như có thể sử dụng rộng rãi tro xỉ làm vật liệu san lấp, nền đường ô tô, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh Quyết định 216 tại các khó khăn nêu trên.
Đồng thời, có cơ chế ưu tiên sử dụng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu san lấp các công trình giao thông, vật liệu phục vụ các công trình xây dựng.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng tro xỉ cho các công trình xây dựng, giao thông nhằm thay thế các vật liệu tự nhiên, đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt vật liệu san lấp như hiện nay.