Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực và kéo dài ở nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản . Nhưng vì sao giá bất động sản vẫn không giảm? Đây là câu hỏi được các chuyên gia tập trung nhìn nhận, thảo luận tại Tọa đàm "Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?" do Cafeland tổ chức sáng nay (4/9), tại TP.HCM.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng nguyên nhân đầu tiên đến từ yếu tố cung cầu trên thị trường.
Ông Kiệt nêu, nguồn cung trên thị trường bất động sản từ 2019 đã có dấu hiệu giảm nhưng cầu lại tăng, thể hiện tỷ lệ hấp thụ dự án mới cao. Đến đầu năm 2020, nguồn cung trên thị trường vẫn giảm, nguyên nhân do các dự án kẹt pháp lý, trong khi nhu cầu trên thị trường vẫn ở mức cao.
"Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra khiến nhiều dự án không triển khai được, sự khan hiếm dự án mới cộng với nhu cầu trên thị trường luôn cao nên chủ đầu tư vẫn tin tưởng vào sức hấp dẫn của thị trường, theo đó họ vẫn duy trì giá bán ở mức cao", ông Kiệt nhìn nhận.
Nguyên nhân thứ hai, giá đất bình quân chung không giảm, vì vậy chủ đầu tư khi phát triển các dự án với giá đất, chi phí thi công, nhân công không giảm, do đó khi họ đưa ra giá bán xu hướng giảm gần như không thể.
Dù dịch bệnh kéo dài, nhưng thống kê cho thấy các dự án khi triển khai mức độ hấp thụ trong đợt mở bán đầu tiên vẫn đạt hơn 75%. Dịch bệnh có ảnh hưởng nhưng không tuyệt đối lên thị trường, cầu vẫn cao.
Chuyên gia CBRE nhận định, ở thị trường sơ cấp khó có chuyện giảm giá mạnh, thời gian tới có thể tăng nhưng có thể điều chỉnh với mức tăng thấp hơn so với các năm trước do tình hình chung của thị trường, do dịch bênh. Xu hướng chung bất động sản sẽ không giảm giá, ít nhất trong 6 tháng tới một năm.
Còn theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, một chuyên gia lâu năm trên thị trường, việc bất động sản không điều chỉnh giá nguyên nhân đầu tiên đến từ sự chuẩn bị của giới đầu tư chuyên nghiệp.
Cụ thể, ông Quang cho rằng, đến cuối 2019 những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp đã đưa ra dự đoán 2020 là năm khó khăn vì khi đó giá bất động sản đã lên cao, bất đầu xuất hiện những từ nhận định như "ngáo giá".
Thứ hai là việc ngân hàng siết vốn, nhà đầu tư khó vay thành ra các chủ đầu tư cũng như dân bất động sản chuyên nghiệp có kế hoạch dự phòng cho 2020. Khi kế hoạch dự phòng chuẩn bị đón xu hướng không tốt của 2020 thì bỗng dưng tháng 2 dịch Covid-19 xuất hiện.
"Tôi gọi xấu của cái xấu là không xấu, nhờ dịch thị trường đứng yên từ tháng 2, tháng 3. Không có giao dịch vì người dân không ra khỏi nhà. Lúc đó dân bất động sản đổ thừa vì dịch nên bất động sản đứng nhưng thực ra họ tính trong kế hoạch. Chúng ta thấy dịch xuất hiện nhưng không có hiện tượng bán xả hàng, giảm giá bất động sản", chuyên gia Trần Khánh Quang cho biết.
Ông Quang nêu, khi dịch bệnh đến có hiện tượng trên thị trường là các hộ kinh doanh mặt tiền trả mặt bằng, treo bảng cho thuê, có nghĩa thị trường cho thuê gặp khó khăn, và ai cũng nghĩ thị trường bất động sản đi xuống. Nhưng thị trường không đi xuống. Vậy chuyện gì xảy ra?
Chuyên gia này cho rằng, như đã đề cập, cuối 2019, dân đầu tư bất động sản chuyên nghiệp họ đã dự liệu khó khăn và chuẩn bị phương án về tài chính, cơ cấu để làm sao đối phó trong năm nay.
Vị này cũng chỉ ra, so với những người cho thuê bất động sản trước đây là cho thuê để lấy tiền hàng tháng nhưng hiện những người mua bất động sản cho thuê là những người sở hữu nhiều bất động sản, không dưới 4-5 sản phẩm bất động sản. Có khoảng 80% nhà đầu tư không có nhu cầu lấy tiền cho thuê bất động sản để trả lãi vay, vì lãi vay hiện 10% trong khi cho thuê căn mặt tiền được khoảng 1,5%.
Ông Quang cũng đề cập tới xu hướng bỏ phố về vườn. Về phần trăm giao dịch có thể không đáng kể trên thị trường bất động sản tuy nhiên lại tạo tâm lý cho giới đầu tư tin tưởng vào bất động sản. Nhà đầu tư có thể bỏ vài ba trăm triệu về Phú Mỹ, Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đồng Nai, Lâm Đồng… mua đất vườn chống dịch. Như vậy, giới đầu tư giữ vững được tâm lý.
Và theo ông Quang điều quan trọng nhất là Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới. Theo đó, thị trường bất động sản trụ được dù dịch bệnh kéo đến.