Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng
Tính đến phiên giao dịch ngày 5/8 tại sàn hàng hóa New York, giá dầu WTI đã giảm thấp xuống mức chỉ còn 88,67 USD/thùng. Đây là mức giảm đáng kể. Trước đó, ngày 8/3 năm nay, giá dầu WTI đã vọt lên 123 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng rơi về 94,34 USD/thùng.
Như vậy, giá của cả 2 loại dầu tiêu chuẩn này đều đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây và quay trở về mốc trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cầu yếu là nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu xuống thấp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Depositphotos)
Mức giá trên dưới 90 USD/thùng vẫn là mức rất cao, nếu so với con số 69,09 USD/thùng cùng thời điểm này một năm trước, tuy nhiên đây vẫn là một chỉ dấu tích cực đối với các nước tiêu thụ dầu.
Giá dầu giảm do cầu yếu?
Dầu thô đã giảm giá trong 2 tháng liên tiếp 6, 7 và từ đầu tháng 8 đà giảm còn mạnh hơn. Hiện nay, nguồn cung dầu gần như không thay đổi, vì theo các chuyên gia mức tăng 100.000 thùng/ngày cho tháng 9 mà OPEC+ mới đưa ra vài ngày trước gần như chỉ mang tính biểu tượng. Nó chỉ tương đương khoảng 0,1% nhu cầu dầu hàng ngày của thế giới.
Dầu giảm giá do nhu cầu. Cụ thể, những lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế có thể làm nhu cầu dầu của thế giới giảm. Thực tế cũng đang cho thấy rõ điều này.
Ví dụ tại thị trường Mỹ, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhu cầu xăng trong giữa mùa cao điểm đi lại và du lịch lại giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ lại đang có xu hướng tăng do xuất khẩu đang giảm dần và các nhà máy lọc dầu cũng hoạt động với công suất thấp hơn.
Rõ ràng cầu yếu là nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu xuống thấp, nhưng nhìn ngược lại, giá năng lượng đứng ở mức cao quá lâu trong thời gian dài cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy yếu của kinh tế thế giới nói chung.
Các nước xuất khẩu dầu, công ty dầu mỏ đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời gian qua nhờ giá dầu cao, nhưng nếu giá cứ cao mãi thì sẽ đến lúc không còn người mua.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay sau này là OPEC+ được lập ra không chỉ để đảm bảo giá dầu không bị xuống quá thấp, mà cũng có nhiệm vụ phải kiềm chế để giá dầu không bị đẩy lên quá cao.
Nếu nhìn lại lịch sử, giai đoạn 2010 - 2014, giá dầu khi ấy cũng ở mức cao, dao động xung quanh mốc 100 - 110 USD/thùng. Chính điều đó đã khiến nhu cầu dầu mỏ của thế giới sụt giảm mạnh, cùng lúc thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dầu khí đá phiến. Đến tháng 3/2016, giá dầu đã tụt xuống chỉ còn 30 USD/thùng.
Xu hướng hiện nay cũng hoàn toàn có thể như vậy. Các nước OPEC+ đều nhìn thấy chưa bao giờ người dân trên thế giới lại cảm thấy mong muốn được chuyển sang xe điện như lúc này, chưa bao giờ các quốc gia lại cảm thấy có nhu cầu thúc đẩy các nguồn năng lượng phi truyền thống, thay thế dầu mỏ như hiện nay.
Có thể thấy nhiều nước OPEC+ đã bội thu nhờ giá dầu thời gian qua, nhưng điều họ muốn là giá dầu cao như vậy cũng chỉ trong một giai đoạn, chứ không phải kéo quá dài, trở thành động lực thúc đẩy thế giới quay lưng với dầu mỏ.
OPEC đã không đưa ra một tuyên bố chính thức nào về mức giá tối ưu, nhưng từ lâu họ đã nhắc tới mốc 80 USD/thùng như mục tiêu để định hướng chính sách. Trong khi giới phân tích cho rằng giá dầu vượt quá 90 USD/thùng sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ giảm sút.
Thế giới tiếp tục tìm cách hạ nhiệt giá dầu
Nhìn từ cả hai phía, góc độ của các nước xuất khẩu dầu lẫn các nước tiêu thụ dầu, mức giá 90 USD/thùng như hiện nay vẫn là rất cao. Chi phí năng lượng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các ngành sản xuất, vận tải, hàng không và nhiều lĩnh vực khác. Nhiều quốc gia và tổ chức đa phương vẫn đang nỗ lực để hạ nhiệt giá dầu.
"Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là giữ cho giá dầu ở mức thấp. Chúng tôi muốn thấy sản lượng dầu tăng lên trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Trung Đông, và điều này thực sự đã diễn ra ngay trong tuần đầu tiên của tháng 6, khi OPEC+ thông báo tăng sản lượng thêm 50% trong tháng 7 và tháng 8. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục quan tâm tới việc giảm giá dầu trên thị trường - điều quan trọng nhất vào lúc này và sẽ tiếp tục tìm cách thực hiện điều đó", bà Karine Jean-Pierre, Phát ngôn viên Nhà Trắng, nói.
"Tổng lợi nhuận của các công ty năng lượng lớn nhất trong quý đầu năm nay đã đạt gần 100 tỷ USD. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đánh thuế những khoản lợi nhuận quá mức này và sử dụng số tiền đó, để hỗ trợ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, cho hay.
Giá dầu diễn biến ra sao trong thời gian tới?
Vào thời điểm này, giá dầu thậm chí còn thấp hơn thời điểm trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, tuy nhiên vẫn còn cao hơn rất nhiều so với bối cảnh thông thường, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong năm 2019, giá dầu WTI cao nhất chỉ ở mức khoảng 65 USD/thùng.
Dự báo về giá dầu trong thời gian tới cũng có nhiều luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm nhận được sự đồng thuận lớn nhất đó là giá dầu sẽ duy trì quanh mức 90 USD/thùng, thậm chí là cao hơn, ngay cả khi suy thoái toàn cầu có thể xảy ra và cũng phải mất một thời gian dài dầu mới có thể ổn định ở mức giá như trước đại dịch.
Một số nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho nhận định này. Đó là, sau COVID-19, nhiều giếng dầu đã ngừng hoạt động, vào thời điểm này, dù bắt đầu khôi phục lại nhưng chưa thể quay về mức bình thường trước đại dịch.
Các nước xuất khẩu dầu, công ty dầu mỏ đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời gian qua nhờ giá dầu cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Depositphotos)
Thực tế cho thấy, ngoài Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hầu hết các thành viên trong liên minh OPEC cũng đang chật vật với việc tăng sản lượng.
Thứ hai, xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường khiến chi phí đầu tư cho nghiên cứu, thăm dò và khai thác các mỏ dầu mới đang hạn chế hơn. Trong giai đoạn quá độ này, giá dầu có thể sẽ vẫn theo xu hướng đi lên.
OPEC và các đối tác còn công cụ nào để điều chỉnh giá dầu về mức mong muốn?
Ngoài điều chỉnh bằng sản lượng, hầu như không còn con đường nào khác cả. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được cho là còn khả năng tăng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, nếu vậy thì Saudi Arabia sẽ phải đẩy sản lượng lên 12 triệu thùng/ngày. Trong lịch sử, nước này chưa bao giờ duy trì mức sản lượng 12 triệu thùng/ngày quá 1 tháng. Do đó không ai dám chắc liệu họ có thể đẩy sản lượng lên như những gì người ta kỳ vọng không.
Nhiều nước trong OPEC+ cũng nhiều lần nhấn mạnh sẽ là không hợp lý khi cứ đẩy sức ép bình ổn thị trường dầu cho họ. OPEC+ đúng là thế lực hàng đầu trên thị trường dầu hiện nay, nhưng họ cũng chỉ chiếm 45% tổng sản lượng dầu của thế giới.
Ngoài ra, trong OPEC+ có 2 nguồn cung quan trọng đang bị tắc nghẽn nhất là Nga và Iran, đều do các lệnh cấm vận của phương Tây, không phải do OPEC+.
Trong ngắn hạn, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ dự đoán giá dầu vẫn sẽ trên 100 USD/thùng, nhất là khi mùa đông đến.
Giảm giá dầu về mức giữa năm 2021, thậm chí giảm sâu hơn nữa, đang là nỗ lực chung của nhiều bên, nhưng đây không phải là mục tiêu dễ thực hiện.