Những năm 1970, bằng các lệnh cấm vận, các nước Arab đã sử dụng dầu mỏ như 1 loại "vũ khí" để trừng phạt các nước phương Tây ủng hộ Israel. Hôm 30/5 vừa qua, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có hành động tương tự khi áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi nước này đem quân tới Ukraine. Từ nay đến cuối năm Nga bị cấm mua dầu thô và các sản phẩm dầu đã qua chế biến (ví dụ như dầu diesel). Dầu được vận chuyển qua các đường ống sẽ là trường hợp được miễn trừ.
Sau thông tin này, giá dầu thô biển Bắc đã tăng vọt lên trên 120 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 3.
"Đòn" của EU mạnh đến đâu?
Quyết định của EU rất đáng chú ý. Ngoài chuyện thể hiện sự đoàn kết, hành động này cho thấy EU sẵn sàng chịu đựng các thiệt hại kinh tế để có thể trừng phạt Nga, cắt đứt một trong những "sợi dây" ít ỏi còn lại kết nối điện Kremlin với châu Âu. EU đang đánh vào một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của Nga. EU chính là thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Nga, mua tới một nửa lượng dầu mà Nga xuất khẩu đi.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm để hoài nghi liệu lệnh trừng phạt mới của EU có ảnh hưởng mạnh đến Kremlin hay không. Lệnh cấm vận chỉ áp dụng với dầu được vận chuyển bằng các tàu chở dầu cỡ lớn qua đường biển. Sở dĩ EU phải loại trừ dầu vận chuyển bằng đường ống là vì Hungary, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào những đường ống dẫn dầu có từ thời Soviet. 65% lượng dầu thô mà Hungary tiêu thụ là nhập khẩu từ Nga.
Nhiều khả năng lệnh cấm của EU chỉ ảnh hưởng rất hạn chế lên thị trường dầu mỏ. Nhiều tàu chở dầu vốn đã chịu lệnh cấm vận từ trước. Các công nhân bốc dỡ tại bến cảng đã từ chối dỡ hàng từ những con tàu chở hàng hoá của Nga. Các ngân hàng phương Tây bắt đầu ngừng cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho những tàu chở hàng hoá Nga. Mặc dù các công ty bảo hiểm tại các nước đồng minh của Nga có thể thay thế, tiềm lực tài chính của họ yếu hơn rất nhiều.
Một câu hỏi lớn xuất hiện: liệu có phải Nga sẽ không thể bán dầu thô vận chuyển bằng đường biển. Cho đến nay, lượng dầu mà Nga xuất khẩu đi vẫn tăng lên bất chấp nước này bị cấm vận. Theo các chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase, khối lượng vẫn tăng sau khi Nga đem quân đến Ukraine. Phần lớn được xuất sang Ấn Độ.
Liệu cuối cùng châu Âu có áp đặt lệnh cấm vận lên dầu vận chuyển bằng đường ống hay không? Ba Lan và Đức đã tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu qua đường ống Druzhba, nhưng rất khó để hình dung Hungary sẽ chấp nhận điều này. Thủ tướng Viktor Orban sẵn lòng chặn đứng quyết định này của EU.
Giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây chỉ là 1 trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu. Thực trạng cung cầu trên thị trường đang là yếu tố quan trọng. Nhu cầu nhiên liệu bật tăng rất mạnh vì đại dịch Covid-19 đã lắng xuống, người tiêu dùng bắt đầu lái xe và đi máy bay trở lại. Ở châu Á, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm dịch trong những ngày gần đây càng khiến cơn khát dầu dâng cao. Giá nhiều kim loại công nghiệp nặng như quặng sát và đồng cũng tăng mạnh.
Trong khi đó không hề có tín hiệu nào cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (trong đó có Nga) sẽ tăng sản lượng. Ngày mai (2/6) OPEC sẽ họp nhưng nhiều khả năng sẽ không thông báo bất kỳ thay đổi nào đối với kế hoạch tăng dần nguồn cung để quay trở lại mức trước dịch.
Nguồn cung thấp trong khi nhu cầu tăng vọt dẫn đến hệ quả tất yếu là người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn. Tồi tệ hơn, theo chuyên gia Francisco Blanch của Bank of America, USD tăng giá làm tăng chi phí tại châu Âu và các thị trường mới nổi.
Đây đều là những tin tức chẳng hề tốt lành trong bối cảnh lạm phát tăng như hiện nay. Theo số liệu được công bố hôm 31/5, lạm phát ở eurozone đã tăng lên mức 8,1%.
Lệnh cấm vận của Arab trong những năm 1970 đã khiến phương Tây chao đảo trong thời gian ngắn nhưng cũng thôi thúc phương Tây tìm ra các giải pháp để sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngày nay, châu Âu đang hi vọng những nỗi đau mà người tiêu dùng đang phải gánh là xứng đáng để đổi lấy những lợi ích lâu dài về an ninh năng lượng.
Tham khảo The Economist