Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên 15/2 giảm kịch trần, giảm 10%, xuống 699 nhân dân tệ (110,08 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 18/1. Đây là phiên giá giảm thứ 2 liên tiếp.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore phiên này cũng giảm 13,8% xuống 127,90 USD/tấn.
Quặng sắt nhập khẩu (hàm lượng 62% thép, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc) giá báo mới nhất (ngày 14/2) cũng lùi xuống 149 USD/tấn, rời xa mức cao nhất 6 tháng đạt được vào tuần trước, là 152,50 USD/tấn, dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt giảm kéo giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên vừa qua giảm 2,8% so với phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,7%, còn thép không gỉ vẫn đứng ngoài lề khi tăng 1,4%.
Giá quặng sắt Australia nhập khẩu vào Trung Quốc
Các chiến lược gia hàng hóa của ANZ cho biết: "Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh Trung Quốc quyết tâm hạn chế tình trạng giá tăng do nạn đầu cơ".
Thực vậy, việc bán tháo mạnh mẽ trên thị trường phản ánh nỗi lo sợ ngày càng tăng của các nhà đầu tư khi cơ quan hoạch định chính sách quốc gia Trung Quốc sẽ cùng với cơ quan quản lý thị trường triệu tập các nhà giao dịch quặng sắt trong và ngoài nước tại một cuộc họp vào ngày 17 tháng 2 nhằm nỗ lực đảm bảo sự ổn định của thị trường, thông tin từ Reuters cho biết.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã nâng gấp đôi mức độ cảnh báo đối với các nhà cung cấp thông tin mà họ cho rằng đang "ngụy tạo" giá quặng sắt. Đây là nỗ lực phối hợp của các cơ quan, ban ngành Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường quặng sắt một cách bền vững, trong đó có thông báo sẽ tăng phí giao dịch đối với các hợp đồng quặng sắt kỳ hạn giao từ tháng 2 đến tháng 5/2022.
Được biết, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tuần vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Tính từ giữa tháng 11 đến tuần vừa qua, giá quặng sắt đã tăng hơn 50%, đạt 150 USD/tấn, buộc các cơ quan quản lý phải thực hiện một số hành động khẩn cấp, bao gồm kiểm tra cảng, nâng phí giao dịch hợp đồng kỳ hạn và cảnh báo chống lại việc đưa ra những thông tin sai lệch.
Ông Mike Henry, giám đốc điều hành của công ty khai thác lớn BHP, cho rằng: "Giá quặng sắt sẽ còn biến động rất mạnh trong tương lai", bởi những nỗ lực mà Chính phủ Trung Quốc đang làm cho thấy sự khó cân bằng của Bắc Kinh trong việc vừa muốn ổn định kinh tế - yếu tố thúc đẩy tiêu thụ thép, vừa muốn không làm ảnh hưởng đến lạm phát giá hàng hóa. Ông Henry cho rằng trong năm 2022, Bắc Kinh sẽ tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Trước mắt, thị trường quặng sắt sẽ đối mặt với một số khó khăn trong năm nay, trong đó có việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu những nỗ lực kiềm chế giá nói trên có thể có tác động lâu dài hay không nếu thị trường hàng thực bị thắt chặt hơn nữa.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities cho biết: "Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng những đợt giá lao dốc mạnh mẽ đều xảy ra sau những tuyên bố của Trung Quốc về việc điều tra, giám sát giá quặng sắt chỉ diễn ra tạm thời trong ngắn hạn". Theo ông, nguồn cung từ Australia và Brazil giảm sút - cùng với sản lượng thép tăng - đã tạo ra một thị trường rất cân bằng.
Tham khảo: Reuters, Minning