Giá quặng sắt giao ngay cho Trung Quốc đã tăng 25% trong 3 tuần qua, thoát khỏi mức thấp nhất 19 tháng do thị trường có quan điểm lạc quang về nhu cầu thép của Trung Quốc trong năm mới.
Quặng sắt hàm lượng 62% giao dịch ở mức giá 108,60 USD/tấn hôm thứ 4 (8/12), tăng từ mức 87 USD hôm 18/11 – mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Giá quặng sắt vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 235,55 USD/tấn vào ngày 12/5 năm nay nhưng đợt tăng giá gần đây như tín hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đối với loại nguyên liệu dùng để sản xuất thép.
Trung Quốc mua khoảng 70% quặng sắt từ đường biển và theo thông lệ, chính Trung Quốc mới là người dẫn dắt đà tăng hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giá quặng sắt tăng cao có đang dựa trên thực tế hay chỉ là kỳ vọng.
Một trong những yếu tố thúc đẩy giá quặng sắt là việc công bố dữ liệu hải quan vào ngày 7/12, cho thấy nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 11 là 104,96 triệu tấn, tăng 14,6% so với tháng 10 và là tháng nhập khẩu mạnh nhất kể từ tháng 7/2020.
Nhìn bề ngoài, đây có vẻ là một kết quả tốt, gợi ý cho một đợt phục hồi nhu cầu đối với quặng sắt. Tuy nhiên, có một yếu tố khiến số liệu nhập khẩu tháng 11 kém khả quan. Sự tăng vọt về số lượng có thể do thời điểm hải quan Trung Quốc làm thủ tục thông quan hàng hoá.
Dữ liệu chính thức từ hải quan cao hơn đáng kể so với dữ liệu mà các nhà tư vấn hàng hoá của Kpler đo được, ước tính ở mức 97,01 triệu tấn – ít hơn gần 8 triệu tấn so với con số chính thức. Trong khi đó, số liệu của tháng 10 từ Kpler là 109,14 triệu tấn, cao hơn 17,5 triệu tấn so với số liệu chính thức từ hải quan Trung Quốc.
Trong 3 tháng gần nhất, Kpler ước tính nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc là 3302,6 triệu tấn trong khi con số chính thức là 292,2 triệu tấn. Đây không phải khoảng cách quá lớn nhưng sự khác biệt về thời điểm hàng hoá được thông quan có thể đã làm sai lệch bức tranh thị trường thực sự.
Một yếu tố khác cần được xem xét là liệu sản lượng quặng sắt nhập khẩu tăng là do nhu cầu từ các nhà máy thép hay do các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu ao hơn trong năm tới, hay đơn giản là họ tích trữ hàng tồn kho sau khi giá giảm mạnh so với mức cao kỷ lục hồi tháng 5.
Chắc chắn, nhu cầu từ các nhà máy thép Trung Quốc không tăng. Một số nhà máy vẫn cắt giảm sản xuất để đáp ứng các mục tiêu về ô nhiễm và năng lượng.
Thị trường dường như đang định vị cho nhu cầu thép phục hồi trong nửa đầu năm 2022, dựa trên kỳ vọng Bắc kinh sẽ một lần nữa tung các đợt kích thích để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung, có vẻ giá quặng sắt đang phục hồi do kỳ vọng nhu cầu trong tương lai, hơn là các dấu hiệu thực tế thị trường hiện tại.
Tham khảo: Reuters