Trong hai tuần tính đến ngày 29/5, các ETF tại Mỹ đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu châu Á bị bán ròng 1,4 tỷ USD. Dòng vốn bắt đầu tháo chạy khỏi các quỹ này từ tháng 2 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Cùng thời gian đó, các ETF tương tự nhằm vào thị trường châu Mỹ Latin lại ghi nhận dòng vốn đổ vào khoảng 60 triệu USD dù đây đang là tâm dịch Covid-19 mới của thế giới.
Dòng vốn dịch chuyển dần sang khu vực châu Mỹ Latin dù đây vẫn là điểm "nóng" về Covid-19. Ảnh: Bloomberg.
Sự đảo chiều trong dòng vốn đầu tư xảy ra khi các tài sản ở châu Á có xu hướng tăng mạnh hơn các khu vực khác sau đợt bán tháo mạnh hồi tháng 3. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán châu Á chỉ giảm khoảng 6% trong khi của châu Mỹ Latin giảm hơn 30%.
Hơn nữa, các tài sản ở châu Á phải đối mặt với nhiều rủi ro vì khu vực này bị mắc kẹt trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, một số tín hiệu tích cực lại xuất hiện trên các thị trường châu Mỹ Latin, trong đó, giá các loại hàng hóa xuất khẩu chính, như dầu thô và đồng, đều đang trên đà phục hồi. Hơn nữa, định giá của khu vực này được xem là tương đối hấp dẫn vì phục hồi chậm hơn so với nơi khác.
Xét về vấn đề dịch bệnh, dù là Bắc Á, khu vực thành công nhất trong việc đẩy lùi dịch Covid-19, hay châu Mỹ Latin, nơi vẫn chưa thể giảm đáng kể số ca nhiễm bệnh, hoạt động kinh tế đều dần phục hồi. “Giới đầu tư dường như quan tâm nhiều đến các báo cáo hoạt động kinh tế”, theo Morgan Harting, giám đốc quản lý tài sản thị trường mới nổi tại AllianceBernstein.
Tuy nhiên, đà phục hồi mới được nhen nhóm tại châu Mỹ Latin vẫn rất mong manh. Mặc dù một số nơi ở Brazil, bao gồm tâm dịch Sao Paulo, đã dần tái mở cửa, số ca tử vong hàng ngày của nước này lại đạt kỷ lục trong ngày 3/6. Mexico cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong hàng ngày vượt 1.000 ca.
Dưới đây là bình luận của một số nhà đầu tư về triển vọng trái chiều của châu Á và châu Mỹ Latin:
Mark Mobius, đồng sáng lập Mobius Capital Founders
Tác động của dịch Covid-19 tới châu Mỹ Latin sẽ không quá lớn vì khu vực này có dân số trẻ.
Các tài sản của khối thị trường mới nổi cũng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Dự báo, xu hướng này sẽ được duy trì trong thời gian tới khi kinh tế phục hồi theo hình chữ V.
Phần lớn thị trường đều tập trung đánh giá rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung, dù chính sách đóng cửa để ngăn dịch Covid -19 lây lan vẫn được duy trì ở một số nơi. Mối quan hệ này đang là rủi ro lớn nhất.
Cổ phiếu tại Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng nhưng mức tăng sẽ không thể lớn như các thị trường mới nổi khác.
Greg Lesko, nhà quản lý quỹ tại Deltec Asset Management
Tài sản ở Trung Quốc tăng vượt trội so với các thị trường mới nổi khác trong quý I.
Việc các tài sản ở châu Á tăng mạnh là yếu tố khiến giới đầu tư phải tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Khi kinh tế Mỹ tái mở cửa và phục hồi, châu Mỹ Latin cũng sẽ được hưởng lợi.
Jean-Charles Sambor, giám đốc quản lý tài sản thu nhập cố định của khối thị trường mới nổi ở BNP Paribas Asset Management
Xét trên phương diện vĩ mô, châu Á được đánh giá khả quan hơn vì kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi và điều này sẽ có tác động tích cực tới các quốc gia láng giềng. Trong khi đó, châu Mỹ Latin vẫn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 và giá hàng hóa ở mức thấp.
Xét trên phương diện định giá, châu Mỹ Latin có nhiều cơ hội hơn, đặc biệt là với thị trường trái phiếu USD xếp hạng đầu tư của Mexico hay trái phiếu nội tệ lợi suất thấp ở Peru.
Trái phiếu lợi suất cao ở Trung Quốc vẫn hấp dẫn với giới đầu tư, đặc biệt trong ngành bất động sản, vì đây là ngành sẽ được hưởng lợi nhờ các chính sách kích thích của Bắc Kinh.
Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ không tạo ra cuộc khủng hoảng lớn nào trong ngắn hạn, nhưng sẽ có nhiều lo ngại liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ tới đây.
Ian Beattie, đồng giám đốc đầu tư tại NS Partners
Công ty đang điều chỉnh danh mục đầu tư vào khối thị trường mới nổi sau những thay đổi trong chính sách tiền tệ gần đây, trong đó tăng tỷ trọng với các thị trường, lĩnh vực và cổ phiếu mang tính chu kỳ.
Danh mục đầu tư vào Trung Quốc cho hiệu quả tốt từ đầu năm đến nay và chúng tôi đang suy nghĩ đến việc giảm phân bổ tài sản vào thị trường này để tăng đầu tư vào Brazil cũng như một số nơi khác. Chúng tôi cũng có lợi nhuận khá tốt tại Đài Loan (Trung Quốc) và đang chốt lời danh mục tại đây.
Tổng ngân sách hỗ trợ cho kinh tế thế giới đang ở mức lớn nhất từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 kết thúc. Các chính phủ tăng cường kích thích với kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V trong bối cảnh các quy định hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 dần được gỡ bỏ, các tài sản mang tính chu kỳ, như cổ phiếu của khối thị trường mới nổi, tăng mạnh.
Nader Naeimi, giám đốc đầu tư tại AMP Capital Investors
Rủi ro lớn nhất hiện nay là căng thẳng Mỹ - Trung nên việc phòng vệ cho danh mục đầu tư là điều phù hợp vào lúc này.
Công ty đang rót vốn vào thị trường trái phiếu nội tệ ở châu Mỹ Latin, đồng thời bán tài sản ở châu Á. Tiền tệ của châu Mỹ Latin được xem như hàng rào bảo vệ tài sản trước sự giảm giá của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Đây cũng là cách để hưởng lợi từ giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).
Nhu cầu của thế giới, đặc biệt là nhu cầu về hàng hóa, phục hồi sẽ giúp bù đắp những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra ở châu Mỹ Latin.
Các quốc gia phụ thuộc lớn vào hoạt động sản xuất trong khối thị trường mới nổi sẽ dẫn đầu xu hướng phục hồi khi nhu cầu của thế giới tăng trở lại.
Theo Bloomberg