Ngày 26/5, trao đổi với báo chí sau hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cảm ơn và biểu dương người dân đã thực hiện rất tốt yêu cầu dừng hoạt động một số dịch vụ từ trưa 25/5.
Ông Dũng cho biết, qua quan sát và báo cáo từ các các địa phương, ngay từ trưa 25/5, đa số người dân, tiểu thương, các cửa hàng chấp hành rất nhanh, chủ động nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền, nhất là lực lượng công an, dân phố, dân phòng vào cuộc rất quyết liệt, đi vận động nhắc nhở từng cửa hàng.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mỗi biện pháp đưa ra, thành phố đều cân nhắc rất kỹ vì lợi ích của nhân dân và chỉ chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ lợi ích lâu dài. Vừa qua, các ca dương tính với COVID-19 đi lại các quán cà phê, cửa hàng ăn uống rất nhiều để lại hậu quả, thiệt hại lớn.
Chính vì vậy, thành phố phải tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về; yêu cầu không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; tạm dừng các cửa hàng cắt tóc, gội đầu...
Đồng chí chỉ rõ: "Đây là những nơi, những hoạt động có môi trường rất thuận lợi cho dịch lây nhiễm, lan rộng; gây rất nhiều khó khăn đối với việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch...".
Bí thư Thành ủy cũng chia sẻ, khi đã quyết định phải dùng biện pháp mạnh này, thành phố cũng đã cẩn thận xem xét nên bắt đầu thực hiện vào lúc nào để người dân chuẩn bị, đỡ bị thiệt hại nhất. "Việc đưa ra mốc thời gian 12h trưa là để tiểu thương, chủ hàng, quán có thêm thời gian chuẩn bị, thực phẩm bán hàng không bị bỏ, đổ đi vì đóng cửa", đồng chí nói.
Về nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phải tập trung cao độ, nỗ lực gấp hai, gấp ba để truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập tắt bằng được hai ổ dịch tại khu đô thị Times City và Công ty T&T tại số 2 Phạm Sư Mạnh.
Tình hình dịch đang rất phức tạp và mức độ có thể gia tăng trong những ngày tới; không chỉ ở Hà Nội và còn trên cả nước. Do đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân phải sẵn sàng tâm thế thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh hơn nữa.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố; bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Chủ tịch UBND thành phố; thực hiện ngay việc rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn và sẵn sàng ứng phó hiệu quả mọi tình huống trên cơ sở "4 tại chỗ".
Cấp thành phố phải quán xuyến toàn diện, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình; từng gia đình, từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình mình và vì cộng đồng, Thủ đô và đất nước.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; cấp trên kiểm tra cấp dưới, thực hiện thường xuyên, vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm. Kiểm tra phải đi liền với biểu dương, đánh giá, khen thưởng, nhân rộng các điển hình làm tốt; phê bình, xử lý kỷ luật nghiêm minh và công khai các trường hợp vi phạm, nhất là đối với cán bộ, công chức, tuyệt đối không nể nang, né tránh.
"Từng nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Các đồng chí bí thư quận, huyện, thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch trên địa bàn. Nơi nào, đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu", Bí thư Thành ủy chỉ rõ.