Trong những ngày gần đây, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh , mã chứng khoán TBD, bán và đăng ký bán cổ phiếu. Điều đáng nói là, trước đây, cổ đông nội bộ công ty không mua/bán cổ phiếu trong nhiều năm liền. Vậy, đâu là lý do những lãnh đạo, cổ đông trung thành của Thiết bị điện Đông Anh lại ồ ạt bán cổ phiếu như vậy?
Hàng loạt lãnh đạo Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh bán sạch cổ phiếu
Hoạt động "tấp nập" bán vốn tại Thiết bị Điện Đông Anh diễn ra từ quý cuối cùng của năm 2017. Đầu tiên là Chủ tịch HĐQT công ty là ông Trần Văn Quang đăng ký bán 200.000 cổ phiếu trong số hơn 431 nghìn cổ phiếu đang nắm giữ. Vợ của ông Quang cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 368.000 cổ phiếu đang nắm giữ. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ lượng cổ phiếu này giao dịch thành công.
Sau đó, đầu năm 2018, lãnh đạo cao nhất của Thiết bị Điện Đông Anh và vợ lại tiếp tục đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu còn lại đang nắm giữ.
Không lâu sau bản đăng ký bán của vợ, chồng Chủ tịch HĐQT thì tính tới thời điểm hiện nay, 9/10 thành viên thuộc HĐQT, BGĐ và KTT đăng ký bán cổ phần của Công ty.
Giá cổ phiếu tăng vọt trước thềm EVN thoái vốn, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh có gì?
Cái có đầu tiên của Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh là thương hiệu lớn tồn tại ~35 năm qua. Từ một Công ty Sản xuất thiết bị điện nhỏ của Bộ Năng Lượng, công ty đã lớn mạnh dần theo thời gian và hiện nay, vốn điều lệ của công ty đạt gần 282,6 tỷ đồng. Thiết bị điện Đông Anh thành công ty đại chúng từ năm 2011 và đến năm 2014 đã đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM giao dịch.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế, Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao và nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải "Thương hiệu tốt nhất - Giải thưởng Thiên niên kỷ mới" của Tổ chức Trade Leader’s Club (có trụ sở tại Tây Ban Nha) hay Huân chương lao động, huân chương độc lập, Danh hiệu Anh Hùng Lao động…
Năm 2013, doanh thu của công ty chính thức cán ngưỡng hơn 1.000 tỷ đồng và vị thế của công ty trong ngành sản xuất máy biến áp truyền tải, máy biến áp trung gian, máy biến áp phân phối…bước sang trang mới.
Năm 2016, Thiết bị điện Đông Anh đạt ngưỡng mới khi doanh thu vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận cũng bứt phá mạnh mẽ lên trên 100 tỷ đồng. Năm 2017, công ty tiếp tục tăng trưởng doanh thu 25% lên hơn 2.900 tỷ và lợi nhuận tiếp tục giữ vững trên 100 tỷ.
"Ăn theo" thoái vốn nhà nước?
Giữa hàng loạt giao dịch bán cổ phiếu của các lãnh đạo Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh là giao dịch bán vốn "khủng" của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN đăng ký bán toàn bộ 13.131.632 cổ phiếu tương đương tỷ lệ 46,58% và thoái hoàn toàn vốn góp tại doanh nghiệp thiết bị điện này sau mấy chục năm nắm giữ.
Khi bản đăng ký bán vốn của EVN được công bố, nhiều người cho rằng, đây chính là lý do mà các lãnh đạo cấp cao của Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh đăng ký thoái vốn sau nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với kết quả đạt được những năm gần đây, EPS Công ty đạt được quanh 4.000 đồng/CP, Với giá thị trường giao dịch hiện tại vào khoảng 68.400 đồng/CP, thì cổ phiếu của Tổng Công ty đang được giao dịch ở mức 16-17 lần lợi nhuận và đang tăng lên từng ngày. Đây là mức PE cao khi so sánh với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt cao khi so sánh với một doanh nghiệp có ngành nghề và doanh thu tương tự là THI với PE đang giao động từ 6-7 lần lợi nhuận.
Những cổ đông, lãnh đạo công ty đang "theo chân" EVN thoái vốn và cổ phiếu TBD đang giao dịch sôi động hơn bao giờ hết. Tổng lượng cổ phiếu cả EVN và các lãnh đạo TBD thoái vốn là rất lớn, hơn 65% lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Khi nào EVN bán vốn? TBD sẽ về tay ai, trong nước hay nước ngoài là những câu hỏi ngỏ mà nhiều nhà đầu tư đang đợi chờ đáp án khi ngày càng nhiều thương hiệu Việt bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài