2022 là năm mà đồng USD đã thực sự thể hiện quyền lực của mình. Các biện pháp trừng phạt tài chính áp lên Ngân hàng trung ương Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đã chứng minh mức độ ảnh hưởng của Mỹ trên thị trường tài chính, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt được thực hiện cùng với sự hợp tác của các đồng minh châu Âu.
Một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, và do đó nắm giữ dự trữ ngoại hối lên đến 500 tỷ USD như Nga, thì thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm giữ đồng USD hoặc euro. Và khi xảy ra đối đầu, dự trữ của nước đó sẽ chịu áp lực của các cơ quan tài chính của Mỹ và các đối tác. Nếu nhìn trên khía cạnh này, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tự cho thấy quyền lực tài chính của mình.
Có thể thấy, Nga đã vượt qua "cơn bão" của các biện pháp trừng phạt tài chính, nhưng để làm được như vậy, nước này đã phải đóng cửa hệ thống tài chính của mình với thế giới bên ngoài. Nhập khẩu của nước này đã bị giảm xuống chỉ còn hơn 50% so với mức trước khủng hoảng.
Khi các lệnh trừng phạt được áp dụng, cú sốc tài chính của Nga đã làm dấy lên câu hỏi liệu một hệ thống tiền tệ trao quyền lực một chiều cho Mỹ và các đồng minh thì có thể bền vững không? Chắc chắn Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tìm cách xây dựng một hệ thống tiền tệ thay thế. Một mô hình đáng chú ý gần đây là giao dịch các mặt hàng quan trọng bằng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Ví dụ một nhà sản xuất xi măng hàng đầu của Ấn Độ đã thanh toán tiền nhập khẩu than của Nga bằng đồng NDT.
Một hệ thống như vậy sẽ đảm bảo sự độc lập khỏi ảnh hưởng của Mỹ, nhưng sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, để hệ thống thay thế phát triển và đạt quy mô đáng kể. Hệ thống lấy NDT làm trung tâm cũng phụ thuộc vào tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu thô quan trọng - yếu tố chi phối mối quan hệ của các đối tác thương mại và tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, những xu hướng đó không chắc chắn sẽ được duy trì.
Nhìn lại bối cảnh sau 6 tháng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, có thể thấy một tương lai mà ảnh hưởng của đồng USD bị lu mờ dường như vẫn còn xa vời. Khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá cả hàng hóa ngày càng xa đỉnh. Nhu cầu dầu, khí đốt và than vẫn còn khá nhiều nhưng giá các mặt hàng khác như quặng sắt ngày càng rẻ. Trung Quốc, thay vì khẳng định vị thế thống trị của mình như một trung tâm thay thế (cho Mỹ) trong nền kinh tế thế giới, đang chứng kiến dòng vốn nước ngoài chảy ra ngoài với tốc độ nhanh hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng 2015-2016.
Với việc các đối thủ của hệ thống tài chính lấy đồng USD làm trung tâm đang suy yếu, đồng bạc xanh còn thể hiện sức mạnh thông qua giá trị tiền tệ, lãi suất và cung cầu tín dụng. Cụ thể, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát phi mã và khiến đồng USD tăng giá đã làm thay đổi các điều kiện vận hành của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Sự hiện diện rộng khắp của đồng USD là chính là đòn bẩy để các biện pháp trừng phạt tài chính phát huy tác dụng.
Hệ thống tài chính xoay quanh USD là một mạng lưới tài chính và thương mại. Sức mạnh chính trị và quân sự đóng một phần trong việc duy trì sự thống trị toàn cầu của đồng USD. Thật khó để tưởng tượng các trái phiếu của Kho bạc Mỹ lại có vị thế lớn như hiện nay trong nền kinh tế thế giới nếu đằng sau chúng không phải là sức mạnh quân sự ưu việt hàng đầu thế giới.
Nhưng lý do chính khiến đồng USD được sử dụng làm đồng tiền trao đổi chính trong thương mại và tài chính là thanh khoản của đồng USD dồi dào và rẻ, đồng thời tiền tệ này được chấp nhận trên toàn cầu. Trước đại dịch COVID-19, gần 90% các giao dịch tiền tệ, với giá trị hàng ngày lên tới 6.000 tỷ USD, có sự tham gia của đồng bạc xanh. Việc Mỹ tăng lãi suất đột ngột - làm thắt chặt các điều kiện tín dụng và củng cố đồng USD - đều sẽ gây ra cú sốc trên toàn bộ mạng lưới giao dịch thương mại.
USD mạnh lên khiến các đồng tiền khác giảm giá tương đối. Các khoản nợ bằng USD - có khi lên đến hàng nghìn tỷ USD đang tồn đọng trên khắp thế giới - sẽ phải đối mặt với khoản phí cao hơn. Đồng USD tăng cũng kéo theo chi phí xuất khẩu toàn cầu được tính bằng USD cao hơn, khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn. Nhìn chung, mức tăng 1% của đồng USD ước tính sẽ khiến thương mại toàn cầu giảm khoảng 0,7% trong vòng một năm.
Kể từ giữa năm 2021 khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, đồng USD đã tăng 15% so với rổ tiền tệ. Đồng euro và yen đều giảm xuống mức thấp kỷ lục. Đồng tiền của các thị trường mới nổi, từ Chile đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, cũng giảm giá mạnh. Sự mất giá của đồng nội tệ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.
Nếu các nước không muốn đồng nội tệ suy yếu và giá hàng hóa nhập khẩu tăng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất theo kịp đà tăng của Fed. Kết quả là trong năm 2022, thế giới đang chứng kiến sự thắt chặt chính sách tiền tệ đồng bộ chưa từng có của các ngân hàng trung ương ở cả các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi.
Rủi ro của các biện pháp trừng phạt tài chính là khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt quá mức, các liên kết tạo nên hệ thống tài chính dựa vào đồng USD sẽ bị phá vỡ. Đối với những nền kinh tế đang "ốm yếu", áp lực tài chính xuất hiện ngay lập tức. Dù chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed rõ ràng không phải là một cơ chế trừng phạt, nhưng các tác động cũng rất nghiêm trọng. Các nền kinh tế dễ bị tổn thương có thể mất khả năng tiếp cận các mặt hàng nhập khẩu quan trọng, buộc phải hạn chế tiêu thụ nhiên liệu và điện, với khả năng tiếp cận tín dụng bị thắt chặt.
Sri Lanka đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và vỡ nợ. Argentina đối mặt với lạm phát gia tăng và gánh nặng của các hóa đơn nhập khẩu năng lượng. Đối với cả hai nước này, nền kinh tế vốn đã yếu và nợ công càng trở nên không bền vững khi giá hàng hóa, lãi suất và sức mạnh của đồng USD đều tăng lên, những điều đó đã kích hoạt nguy cơ nổ ra khủng hoảng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng gần 60% nền kinh tế có thu nhập thấp đang có nguy cơ mắc nợ hoặc đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Sau thành công của chiến dịch giảm nợ trên toàn thế giới vào đầu những năm 2000 nhằm thu hẹp khoản nợ của các quốc gia có thu nhập thấp nhất, nhiều quốc gia trong số đó đã tìm đến các nguồn cung tài chính khác trên thị trường, bao gồm cả việc đi vay với lãi suất thay đổi. Đến năm 2020, hơn 30% nợ của họ dựa trên cơ sở lãi suất thay đổi, điều này rất hấp dẫn khi lãi suất thấp nhưng nguy hiểm hơn nhiều trong một môi trường lãi suất tăng như hiện nay.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN
Với những ví dụ như Sri Lanka hay Argentina và tình trạng bấp bênh của các quốc gia thu nhập thấp, có ý kiến cho rằng năm 2022 sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện giống như những năm 1980. Khó khăn về kinh tế và tài chính đã và đang ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và rồi dần dần con số này sẽ lên đến hàng trăm triệu người.
Nhiều quốc gia mắc nợ có thể nhận thấy họ phải tìm kiếm các thỏa thuận tái cơ cấu nợ hoặc thậm chí bị vỡ nợ. Tuy nhiên, dù thế nào, thế giới sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với hệ thống tài chính toàn cầu xoay quanh đồng USD. Nguyên nhân không phải là vì hệ thống đồng USD đã miễn nhiễm với các cú sốc mà bởi vì kể từ những năm 1990, hệ thống này đã phát triển để thích ứng với những căng thẳng và rủi ro có thể xuất hiện.
Không có gì ngạc nhiên khi những nền kinh tế có mức nợ vừa phải và dòng thu nhập ổn định sẽ hoạt động tốt hơn. Còn với những quốc gia có nợ cao, áp lực của họ phụ thuộc vào cách các nước này cân bằng các khoản nợ và tài sản bằng đồng USD và nội tệ. Những quốc gia đã cố định đồng tiền của họ với USD hoặc đã vay bằng USD mà không được bảo vệ trước các biến động tỷ giá hối đoái và lãi suất, có thể sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng.
Nhưng kiểu phụ thuộc vào đồng USD ngày càng hiếm. Kể từ những năm 1990, hệ thống tài chính toàn cầu đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ một bộ cơ chế cho phép tiết chế sự phụ thuộc vào đồng USD và quản lý các rủi ro khi lĩnh vực tài chính trở nên toàn cầu hóa.
Các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil và Thái Lan đã học được rằng, nếu muốn vay tiền từ những chủ nợ nước ngoài, tốt hơn hết là chỉ nên vay bằng đồng nội tệ của mình. Mặc dù nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra, đồng nội tệ có thể mất giá, nhưng ít nhất một phần rủi ro do bên cho vay gánh chịu và các quốc gia đi vay có thể đảm bảo đủ tiền để trả các khoản nợ.
Các công ty tư nhân có thể vay bằng ngoại tệ, nhưng hộ gia đình hoặc chính phủ cần rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năm 2008, khi nhiều nền kinh tế Đông Âu phát hiện rủi ro lớn của các khoản thế chấp hoặc khoản vay mua ô tô bằng ngoại tệ.
Cần lưu ý là các khoản nợ bằng ngoại tệ của các tập đoàn "quá lớn để sụp đổ" có thể gây áp lực cho các nước, buộc họ phải cứu trợ các doanh nghiệp này để bảo vệ xếp hạng tín nhiệm nợ cũng như nền kinh tế quốc gia. Tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc vào năm ngoái, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cung cấp hỗ trợ tài chính cho Nam Phi để tái cơ cấu tài chính của Eskom, công ty điện lực của nước này. Đây vừa là một chiến lược chuyển đổi năng lượng vừa là một cách để giảm bớt áp lực lên ngân sách của chính phủ Nam Phi.
Tóm lại, năm 2022 một lần nữa cho thấy hệ thống đồng USD có khả năng phục hồi và sức mạnh nhờ được hỗ trợ bởi các lợi ích thương mại và địa chính trị. Nhà kinh tế học Daniela Gabor đã đặt ra cụm từ "sự đồng thuận của Phố Wall" để nêu bật vai trò của các chủ ngân hàng đầu tư, các nhà quản lý quỹ và những khách hàng của họ trong việc duy trì mạng lưới tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD.
Trong các cuộc khủng hoảng lớn, hệ thống này trở thành quan hệ đối tác công tư công khai được bảo đảm bằng các cơ chế hoán đổi tiền tệ được Fed mở rộng cho các ngân hàng trung ương lớn của châu Âu, Mỹ Latinh và châu Á. Trong các cuộc đối đầu địa chính trị, phạm vi của hệ thống này được mở rộng nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và các đối tác an ninh của nước này ở châu Âu và Đông Á.
Vị thế của đồng USD cũng đòi hỏi một lập trường thắt chặt hơn trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Căng thẳng trong nền kinh tế toàn cầu trở nên nghiêm trọng như thế nào trong những tháng tới phụ thuộc vào mức độ thắt chặt của Fed và điều đó phụ thuộc vào việc lạm phát của Mỹ hạ nhiệt nhanh như thế nào. Nếu nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, thì Fed sẽ tăng lãi suất cao hơn.
Do đó, số liệu cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng trưởng chậm lại là một tin tốt đối với hệ thống tài chính xoay quanh đồng USD, bởi điều đó có nghĩa là Fed có thể giảm bớt các đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay. Kịch bản khả quan nhất là Mỹ sẽ chỉ suy thoái nhẹ với lạm phát giảm nhanh chóng - điều mà các nhà kinh tế kỳ vọng là "hạ cánh mềm".