Tối 21/11, cựu Phó trưởng Ban Tuyên truyền trung ương Trung Quốc Lỗ Vĩ bị bắt giữ điều tra do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Giới quan sát cho hay, cú "ngã ngựa" của Lỗ Vĩ - người được biết đến là "người gác cổng" cứng rắn hay "ông trùm quyền lực" quản lý internet tại Trung Quốc - dường như đã có điềm báo trước.
Trước đây, Lỗ Vĩ là người có ảnh hưởng mạnh mẽ trong chính sách quản lý internet tuy nhiên bắt đầu từ năm ngoái, ông này bị sa thải khỏi nhiều vị trí.
Lỗ Vĩ sinh năm 1960, quê ở An Huy từng giữ chức Phó Xã trưởng Tân Hoa Xã.
Từ năm 2011 đến tháng 6/2016, ông này từng giữ nhiều vị trí như Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên truyền, Phó Thị trưởng Bắc Kinh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Tuyên truyền đối ngoại trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ Lãnh đạo Trung ương về An ninh mạng và Công nghệ thông tin, Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia, Phó trưởng Ban Tuyên truyền trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, ông bị bãi miễm khỏi nhiều vị trí và nắm giữ vị trí duy nhất là Phó trưởng Ban Tuyên truyền trung ương ĐCSTQ.
Lỗ Vĩ là quan chức cấp bộ đầu tiên bị sa thải sau khi ông Tập Cận Bình được tái bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ hai sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 tổ chức hồi cuối tháng trước. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Tập đã khởi xướng cuộc chiến chống tham nhũng và thu được thành tựu đáng kể khi hàng loạt quan chức tham nhũng bị điều tra.
The New York Times (Mỹ) cho rằng, vụ việc của Lỗ Vĩ chứng tỏ, cuộc chiến "đả hổ diệt ruồi" sẽ được tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Năm 2014, khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia, Lỗ Vĩ trở thành "người gác cổng" cứng rắn trong lĩnh vực internet tại Trung Quốc. Ông này từng nhận được sự chào đón của các Giám đốc điều hành các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Tim Cook (Apple), Jeff Bezos (Amazon) hay Mark Zuckerberg (Facbook) trong các chuyến thăm Mỹ.
Tại sao Lỗ Vĩ trở thành "hổ lớn" đầu tiên sau Đại hội 19?
Ngày 22/11, ngay sau công bố thông tin Lỗ Vĩ tiếp nhận điều tra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc CCDI đã giải thích cho lý do vì sao ông này là "hổ lớn" đầu tiên sau Đại hội 19.
Lỗ Vĩ (ngoài cùng, bên trái) trong lần tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Mỹ. Ảnh Ted S. Warren
Theo đó, vòng khảo sát thứ 12 - tức vòng khảo sát cuối cùng của Đại hội khóa 18, Trung Quốc đã triển khai thí điểm hình thức khảo sát cơ động đối với bốn đơn vị, trong đó bao gồm Văn phòng Tiểu tổ Lãnh đạo Trung ương về An ninh mạng và Công nghệ thông tin do Lỗ Vĩ quản lý.
Hình thức khảo sát cơ động còn được gọi là "tiêu binh di động" hay "đội đột kích". Đây là sáng tạo quan trọng của cơ chế khảo sát tuần tra kể từ Đại hội 18 (2012), mục đích giúp cơ quan chức năng nhạy bén xác định địa điểm khảo sát khi đơn vị này xuất hiện "vấn đề nổi cộm" dựa trên tình hình thực tế.
"Tổ tuần tra được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện nhiệm vụ, xác định mục tiêu rõ ràng, thực hiện những cú đánh nhanh, nhắm chính xác vào các nhân vật quan trọng, bộ ngành chủ chốt và người trong cuộc, ra đòn bất ngờ, nhanh chóng, hiệu quả, đột phá chính xác, khiến nỗi sợ [trong mỗi cá nhân] tăng cao", CCDI nhấn mạnh.
Theo CCDI, trong quá trình khảo sát cơ động lần này, tổ tuần tra trung ương đã phát hiện ra một số vấn đề còn tồn tại của Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia như chưa áp dụng triệt để bốn ý thức gồm ý thức chính trị, ý thức đại cuộc, ý thức hạt nhân, ý thức làm chuẩn hay trách nhiệm chính trị yếu kém v.v...
Đồng thời theo cơ quan an ninh quyền lực nhất Trung Quốc, tổ tuần tra còn nhận được phản ánh về một số manh mối liên quan đến các cán bộ lãnh đạo, sau đó những manh mối này được chuyển lên các cơ quan liên quan như CCDI hay Ban Tổ chức trung ương xử lý.
"Từ trường hợp của Lỗ Vĩ có thể thấy, ông này từng nắm giữ vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia từ tháng 5/2014 đến tháng 6/2016. Kèm theo chú ý theo dõi phản hồi của tổ tuần tra sẽ thấy vụ 'ngã ngựa' của Lỗ Vĩ không phải là điều đáng ngạc nhiên", CCDI nói, đây là thắng lợi của cơ chế tuần tra cơ động, đồng thời thể hiện sức mạnh và sức đe dọa đáng sợ của cơ chế này.