Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế đang mở cửa trở lại và số ca lây nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang. Những bất đồng trong quan điểm của hai bên về nhiều vấn đề như thị trường tài chính, nhân quyền hay nguồn gốc Covid-19 đều có thể "châm ngòi" chiến tranh thương mại bùng nổ bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, điều mà các nhà quan sát lo ngại nhất hiện nay chính là Hồng Kông – "hòn ngọc ở phương Đông". Rất có thể Hồng Kông sẽ trở thành "át chủ bài" cuối cùng gây ra cuộc chiến thương mại khốc liệt nhất giữa Mỹ và Trung Quốc!
Cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã phớt lờ các cảnh báo quốc tế và thông qua nghị quyết về dự luật an ninh quốc gia nhằm tăng cường mức độ ảnh hưởng đối với đặc khu hành chính Hồng Kông. Dự kiến sẽ được ban hành trước tháng 9, một vài đều khoản của dự luật này cho phép cơ quan tình báo Trung Quốc thiết lập khu căn cứ kiểm soát tại Hồng Kông, đồng thời huỷ bỏ quyền tự quyết của khu tự trị này. Hầu hết các nhà phê bình đều lo ngại rằng một khi dự luật này được thông qua, nó sẽ hạn chế quyền tự do và những quyền lợi thiết yếu khác của người dân Hồng Kông.
Trước những quyết định của chính quyền Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng công bố một loạt các kế hoạch "trừng phạt" mới đối với Trung Quốc, bao gồm: ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); dừng tiếp nhận du học sinh và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tới Mỹ; thực hiện kiểm toán và điều tra với toàn bộ công ty Trung Quốc đặt tại Mỹ và huỷ bỏ tình trạng kinh tế đặc biệt đối với Hồng Kông.
Chiến tranh thương mại bắt nguồn từ thị trường tài chính
Hiện nay, cổ phiếu của hàng loạt công ty tài chính lớn đặt tại Hong Kông bao gồm HSBC và Prudential Plc đã giảm trên sàn London xuất phát từ những lo ngại về một cuộc chiến tranh tài chính đang diễn ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chiến lược gia người Mỹ Greg Valliere cho rằng "diều hâu" của Trung Quốc trong chính quyền Trump đang chuẩn bị biện pháp trừng phạt với các ngân hàng và tập đoàn nước ngoài thực hiện giao dịch với ngân hàng Hồng Kông.
"Phần lớn hoạt động ngân hàng của Trung Quốc đang được thực hiện tại Hồng Kông, và chủ yếu bằng đồng đô la Mỹ. Nếu làm theo cách "trả đũa" của Trung Quốc, liệu Mỹ có thể thực hiện lệnh trừng phạt với các ngân hàng nước ngoài khi giao dịch với ngân hàng Hồng Kong không? Mỹ có thể từ chối các khoản tín dụng của Cục Dự trữ liên bang cho các ngân hàng Trung Quốc không?", ông Valliere nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ khuyến cáo rằng nếu như Hồng Kông mất đi tư cách của một lãnh thổ hải quan đặc biệt, điều này có nghĩa là thuế quan và nhiều biện pháp trừng phạt có thể phải thực hiện. Theo số liệu thống kê năm 2018, kim ngạch thương mại hàng hoá giữ Mỹ và Hồng Kông đạt 66,9 tỷ USD; trong đó xuất khẩu chiếm 50,1 tỷ USD và nhập khẩu chiếm 16,8 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Hoa Kỳ với Hồng Kông đạt 33,4 tỷ USD năm 2018.
Một "Hồng Kông tự do" có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ?
Dự luật an ninh mới được chính quyền Bắc Kinh thông qua nhấn mạnh đến điều khoản chính phủ Hoa Kỳ sẽ không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ nào của Hồng Kông. Khi đó, bất cứ một lệnh trừng phạt nào đối với Hồng Kông cũng sẽ trở thành một "con dao hai lưỡi". Đồng thời, Trung Quốc cũng cảnh báo rằng thặng dư thương mại với Hồng Kông là mức thặng dư thương mại lớn nhất Mỹ đạt được trong số tất cả các đối tác của quốc gia này.
Vậy trên thực tế, Hồng Kông có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế Mỹ?
Thứ nhất, Hồng Kông được coi là "cửa ngõ" để Mỹ tiến vào Trung Quốc đại lục với các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hiện có khoảng 1.300 công ty Hoa Kỳ (trong đó 726 công ty đang hoạt động) đặt trụ sở tại Hồng Kông. Đã từ lâu Hồng Kông được coi là trung tâm tái xuất của thương mại Mỹ - Trung.
Thứ hai, khoảng 85.000 người Mỹ coi Hồng Kông là ngôi nhà thứ hai. Như vậy, những quy định về thị thực mới có thể ảnh hưởng đến họ.
"Những thay đổi sâu rộng trong vị thế của Hồng Kông theo đạo luật chính sách Hồng Kông – Hoa Kỳ coi Hồng Kông là một lãnh thổ độc lập về kinh tế và thương mại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hoa Kỳ, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại đây", Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết.
Trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2018, Hồng Kông được Tổ chức di sản thế giới bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới. Tuy nhiên, do những bất ổn về chính trị, năm 2019 Hồng Kông đã để tuột mất vị trí này vào tay Singapore. Hiện có khoảng 200 ngân hàng đặt văn phòng hoặc trụ sở tại đây, 75 trong số 100 ngân hàng lớn nhất thế giới, đến từ 35 nền kinh tế hàng đầu, đặt tại Hồng Kông.
Tham khảo Investopedia