Là quan điểm được ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nêu ra trước thực tế thời gian qua, khi thị trường giảm điểm, số đông nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm lý do, thậm chí vin vào cả những thông tin đồn thổi chưa qua kiểm chứng. Bên cạnh đó, chuyên gia từ PSI cũng đưa ra lý giải vì sao thị trường chứng khoán giảm trong bối cảnh vĩ mô được đánh giá tích cực.
Thực tế khi thị trường giảm số đông nhà đầu tư sẽ tìm kiếm lý do, vin vào cả những thông tin đồn thổi chưa được kiểm chứng… quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nói riêng và các hoạt động kinh tế nói chung thường có xu hướng đưa ra quyết định của mình theo yếu tố cảm tính cá nhân thay vì những quyết định mang tính lý trí. Con người luôn có xu hướng muốn bảo toàn và sợ mất mát, do đó sẽ dễ dàng bị thúc đẩy tìm kiếm cơ hội nhằm tránh sự mất mát hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Xu hướng sợ hãi mất mát đôi khi làm cho con người không thể loại bỏ đi những tài sản tài chính không mang lại lợi nhuận ngay cả khi họ nhận thấy rằng không có kỳ vọng gì về mức sinh lợi trong tương lai.
Trên thực tế, mỗi khi thị trường giảm số đông các nhà đầu tư sẽ đi tìm kiếm lý do thậm chí vin vào cả những thông tin đồn thổi chưa qua kiểm chứng nhằm lấy đó làm "cơ hội" giải thích cho sự thua lỗ của bản thân. Việc sợ thừa nhận cũng như hối tiếc khi làm sai một điều gì đó là nguyên nhân chính dẫn tới những quyết định sai lầm trong đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân mới.
Thị trường chung ví như "lên thang bộ" xuống "thang máy", nhà đầu tư thua lỗ trước đó, càng mua trung bình giá xuống thậm chí càng lỗ thêm, theo ông trong hoàn cảnh này nhà đầu tư có thể làm gì?
Thị trường đang tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu với xu hướng chính vẫn là giảm điểm dù triển vọng dài hạn là tích cực. Theo tôi cơ hội trên thị trường vẫn đang xuất hiện tại những nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao và hoạt động kinh doanh mang tính ổn định ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát cũng như chu kỳ như điện, nước, tiện ích... hoặc các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay nhờ hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục cùng tăng trưởng kinh tế như bán lẻ, công nghệ thông tin...
Đây là nhóm cổ phiếu mà các nhà đầu tư nên tập trung hướng tới và có thể cơ cấu lại danh mục tại những nhịp điều chỉnh của thị trường cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Ngoài ra các nhà đầu tư nên hạn chế tâm lý bắt đáy đối với các nhóm cổ phiếu đã lao dốc mạnh do tính chu kỳ khi mà rủi ro điều chỉnh khi thị trường phân hóa vẫn còn dự kiến sẽ tiếp diễn.
Chỉ số cần tìm lại điểm cân bằng với dòng tiền đầu tư thực chất
GDP năm 2022 được nhiều tổ chức kỳ vọng sẽ đạt mức cao, chẳng hạn HSBC nâng dự báo tăng GDP của VN lên 6,9%, cao nhất khu vực, lạm phát cũng được dự báo sẽ được kìm chế. Trong khi đó, TTCK được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế lại không khởi sắc, theo ông lý do vì sao?
Kinh tế Việt Nam trải qua năm 2021 hết sức khó khăn với những đợt phong tỏa diện rộng và kéo dài trong suốt quý 2 và quý 3 khiến cho tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 2,58%. Trong đó, khu vực dịch vụ thường đóng góp khoảng gần 40% GDP chỉ tăng trưởng 1,2%. Như vậy, việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong năm 2022 là điều có thể thấy trước do mức nền so sánh cùng kỳ rất thấp.
Ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)
Lạm phát của Việt Nam năm 2022 tuy thấp hơn mặt bằng chung của thế giới nhưng mức độ tăng giá hàng hóa cũng đã gấp đôi so với năm trước. Như vậy, tăng trưởng GDP thực tế cũng không phải là quá cao nếu trừ đi lạm phát.
Do đó nếu chỉ nhìn dựa vào mức dự báo tăng trưởng kinh tế là chưa đủ trong bối cảnh một số nhóm ngành chính chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn trên thị trường như ngân hàng, bất động sản, thép đều là những cổ phiếu có tính chu kỳ với tăng trưởng lợi nhuận biến động mạnh theo chu kỳ của nền kinh tế. Trong giai đoạn trước, đây là nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận đột biến vào cuối chu kỳ như HPG đã đóng góp đáng kể cho chỉ số thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2020 – 2021 đã đi nhanh hơn so với kết quả thực của doanh nghiệp và nền kinh tế do dòng tiền đầu cơ trong thời kỳ dịch bệnh, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, nhiều ngành nghề đi xuống. Do vậy, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp gặp khó khăn có thể đi vào thị trường.
Ngoài ra, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, lãi suất tiền gửi thấp, số đông mọi người sẽ có động thái dịch chuyển một phần tiền tiết kiệm của họ vào những kênh sinh lời tốt hơn. Vì thế khi dòng tiền rẻ đầu cơ này rời bỏ thị trường sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể của thanh khoản. Chỉ số thị trường sẽ cần tìm lại điểm cân bằng với dòng tiền đầu tư thực chất và bền vững hơn trước khi có thể phục hồi trở lại.
Lãi suất huy động được dự báo tăng trong thời gian tới đây có phải là 1 lý do khiến đầu tư chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn trong ngắn hạn, thưa ông?
Trên thực tế, lãi suất huy động đã tăng từ đầu năm tới nay và xu hướng tăng lãi suất gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong nửa sau năm 2022. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung vẫn còn thấp và tôi cho rằng, mức lãi suất tiết kiệm như vậy là chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư. Tôi cho rằng, dòng tiền trong nền kinh tế đang quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau hơn 2 năm các hoạt động trên đình trệ bởi giãn cách xã hội và nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong bối cảnh dịch COVID được kiểm soát và nền kinh tế đã thích nghi với trạng thái "bình thường mới", dòng tiền nhàn rỗi trước đây được sử dụng để đầu tư chứng khoán sinh lời giờ sẽ được rút ra để kinh doanh, tạo ra các giá trị thực cho nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng cũng đối mặt với áp lực thanh khoản khi NHNN liên tục hút tiền để kiểm soát lạm phát. Dòng vốn tín dụng cũng được ưu tiên cấp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì các ngành nghề nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Do đó, thanh khoản thị trường chứng khoán mới chứng kiến sự suy giảm đáng kể như trong vài tháng qua.