Giá dầu duy trì ở mức cao đến năm 2014, khi dầu Brent giao kỳ hạn có giá trên 100 USD/thùng. Mức giá này giúp nâng cao hiệu quả trong ngành công nghiệp khai thác dầu cũng như các ngành năng lượng khác, nhưng cuối cùng điều này tạo ra nguồn cung khổng lồ khiến giá dầu giảm mạnh.
John Kilduff, thành viên sáng lập của Again Capital, nói: "Thời đại giá dầu ở mức cao đã thúc đẩy cải tiến ở mọi nơi, đặc biệt là ngành dầu đá phiến, nhưng cũng khiến các nhà khai thác dầu gặp nhiều rủi ro hơn”.
Hiện giá dầu đang tăng trở lại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Những biến động gần đây của giá dầu có thể là một lời nhắc nhở về lợi ích của các nguồn năng lượng thay thế rẻ hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo đang tăng lên, nhiều chuyên gia cho rằng kỷ nguyên dầu lửa sẽ còn được duy trì nhiều năm nữa.
John Eichberger, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu nhiên liệu Fuels, một tổ chức phi lợi nhuận, nói: "Tôi nghĩ kỷ nguyên dầu lửa sẽ được duy trì thêm 4-5 thập kỷ nữa trước khi chúng ta chứng kiến bất cứ điều gì mới mẻ. Những thay đổi sẽ diễn ra, nhưng sẽ mất nhiều thời gian".
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng lên cho đến năm 2040 nhờ các thị trường mới nổi như Ấn Độ và các ngành công nghiệp như vận tải đường bộ, hóa dầu, hàng không và vận tải. Nhưng IEA cho rằng nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và khí tự nhiên đang tăng lên.
Trung Quốc là một lý do cho nhận định của IEA. Quốc gia gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới hiện đang đi đầu trong việc sử dụng năng lượng sạch.
Tom Kloza, người phụ trách phân tích năng lượng toàn cầu của OPIS, một công ty cung cấp thông tin về giá dầu, cho biết: "Bạn phải quan sát những bước tiến mà Trung Quốc đạt được”.
IEA dự báo rằng 1/4 chiếc xe chạy trên đường tại Trung Quốc sẽ là xe điện vào năm 2040. Cơ quan này dự báo lượng xe điện toàn cầu sẽ đạt 280 triệu chiếc vào thời điểm đó, so với mức 2 triệu chiếc hiện tại.Việc chuyển sang phương tiện chạy bằng điện có thể tạo ra những tác động lớn với ngành dầu lửa, vốn đáp ứng hơn ½ nhu cầu nhiên liệu trong các ngành vận tải thế giới.
Eichberger nói: "Xe điện sẽ rất cạnh tranh và có lẽ sẽ sớm đánh bại đông cơ đốt trong về mặt chi phí, điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn”.
Nhưng ông cảnh báo rằng ngay cả khi doanh số bán xe điện tăng lên, thì thế giới phải mất hàng thập kỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho những phương tiện như thế để không còn phụ thuộc vào ôtô chạy bằng xăng. Các nhà phân tích cũng chỉ ra những lo ngại về việc dự trữ pin và chi phí sản xuất loại phương tiện mới này.Trừ phi giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao, người tiêu dùng có thể không có nhiều động lực để chuyển sang động cơ điện.