Theo ấn phẩm Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2019, các vùng có Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) cao là do chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa cao. Ví dụ, vùng Trung du và vùng núi phía Bắc có SCOLI rất cao là vùng núi cao rất nhiều hàng hóa không được sản xuất tại chỗ, phải vận chuyển từ các tỉnh miền xuôi lên các tỉnh mền núi, đường xá đi lại khó khăn, giá cước vận tải hàng hóa cao.
Ngoài ra, hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa của vùng này rất phân tán, chi phí duy trì hệ thống phân phối cao, cùng với chi phí cho việc dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã làm cho giá hàng hóa bị đẩy lên cao so với các vùng khác, đặc biệt so với vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng khác
Ngược lại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá cả sinh hoạt rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là trong 11 nhóm hàng, nhóm “Giao thông” và nhóm “Hàng ăn và dịch vụ ăn uống” có mức giá thấp nhất so với mức giá bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng và so với các vùng khác, do vùng Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, để giảm mức chênh lệch giá giữa các vùng và các tỉnh, nhóm nghiên cứu của Tổng cục Thống kê đề xuất thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau.
Đối với các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa, Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ về giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ y tế, hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình Đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cần đưa ra các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Đối với dịch vụ y tế: Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh đối với hộ thuộc hộ nghèo. Hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại khám chữa bệnh đối với hộ gia đình thuộc vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Hỗ trợ giảm tiền điện, nước sinh hoạt hàng tháng đối với các tỉnh miền núi. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước, điện sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo.
Đầu tư hệ thống giao thông để giảm sự chênh lệch giá giữa các tỉnh, các vùng.
Phát triển thương mại, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để đưa hàng hóa đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm giảm mức chênh lệch giá giữa các tỉnh, các vùng miền cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:
Nhằm nâng cao nguồn cung hàng hóa đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa và hải đảo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ, tiến độ hàng năm để tổ chức triển khai đào tạo nghề nông nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố sẽ được giao xây dựng quy chế cụ thể về đặt hàng doanh nghiệp đào tạo nghề, liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề trong thực hiện đào tạo và tạo việc làm cho người lao động.
Mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn 10-15 mô hình phát triển sản xuất lớn các ngành nghề trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản, nghề muối… làm thí điểm để nhân rộng. Đào tạo lao động nông thôn trong các lĩnh vực chính như: sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm hay đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển.
Khi sản xuất phát triển, nguồn cung hàng hóa dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, sẽ hạn chế nguồn hàng vận chuyển từ miền xuôi lên làm cho giá hàng hóa tại các vùng miền núi, vùng sâu, xa hải đảo giảm do không mất nhiều chi phí vận tải.