Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: K. Lực
Nói về việc quy định nghiêm cấm này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Luật Chăn nuôi đã quy định rõ giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
"Đến nay, chưa thấy có tỉnh nào chốt được phương án cấm chăn nuôi trong khu vực nội thị, khu dân cư. Họ cần phải có thời gian để các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch, lập bản đồ 1/500 và xác định đường ranh giới hiện tại và mang yếu tố phát triển trong tương lại" - ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, việc các địa phương quy hoạch chăn nuôi sẽ có tác động lớn. Nó không chỉ góp phần kiểm soát môi trường mà còn giúp cho người chăn nuôi biết định hướng thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Chăn nuôi và Chiến lược chăn nuôi. Đó là, từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi nội thành, nội thị; đưa từ vùng có mật độ chăn nuôi cao lên vùng có mật độ chăn nuôi thấp, có không gian lớn. Đây là cơ sở để hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
"Bây giờ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều phải tìm những khu vực như vậy để xây dựng các trang trại chăn nuôi" - ông Chinh nói. Trường hợp người chăn nuôi, các doanh nghiệp không muốn chuyển lên vùng có diện tích lớn như vậy, họ sẽ buộc phải đầu tư công nghệ cao để xử lý tất cả các chất thải, không ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.
Chăn nuôi trong nội thị, khu dân cư sẽ bị nghiêm cấm khi sau 5 năm Luật Chăn nuôi có hiệu lực. Ảnh: K.Lực
Do quy định thực hiện nghiêm cấm chăn nuôi trong khu nội thị, khu dân có lộ trình thực hiện trong 5 năm từ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2020, do đó các tỉnh, thành phố vẫn còn rất nhiều thời gian để nghiên cứu, quy hoạch và đưa ra những chính sách hỗ trợ để thực hiện. "Khi người ta đầu tư chăn nuôi, đặc biệt ở những vùng đất được cấp phép trước đây, giờ muốn di dời thì phải có chính sách hỗ trợ cho họ" - ông Chinh nói.
Ông Chinh phản ánh, hiện đang có một số vấn đề các tỉnh, thành phố chưa thống nhất và hỏi Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhiều, nhất là xác định rõ ranh giới cấm như thế nào và đến đâu. "Trong làng, người dân vẫn chăn nuôi; rồi con chim yến vào làm tổ tự nhiên, không phải do tay con người bây giờ có được phép nuôi không" - ông Chinh nêu ví dụ và khẳng định: Chính quyền địa phương sẽ phải quyết định điều này.
Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên lợn, gà, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Từ đầu thế kỷ XX đến nay, có tới 75% dịch bệnh từ động vật lây sang người và chúng ta thấy có những bệnh dịch nguy hiểm mới như covid-19".
Mới đây, ngày 16/2, tại Trà Vinh, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Châu Điền và xã Hào Ân thuộc huyện Cầu Kè. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 1.704 con. Cúm gia cầm A/H5N1 là một căn bệnh về hô hấp ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm cho người. Loại virus này được phát hiện lần đầu vào năm 1996 tại Trung Quốc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm A/H5N1 có khả năng lây nhiễm từ người dù rất khó. Dù vậy, cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Từ năm 2003 đến 2019, WHO đã xác nhận tổng cộng 861 trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 ở người trên toàn thế giới, 455 trong số đó đã tử vong.
Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Điều 4 của Luật quy định, trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. |