Từ đầu cuộc bầu cử, ưu thế dường như nghiêng về Đảng Cộng hòa trong bối cảnh cử tri lo ngại về kinh tế, tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Joe Biden giảm sút và lịch sử cho thấy đảng này thường chiến thắng trong các cuộc bầu cử giữa kỳ.
Tuy nhiên, ngày 9-11, giờ địa phương, "làn sóng đỏ" dường như đã chuyển hướng và có thể không đổ bộ.
Làn sóng đỏ
"Chúng ta đã đi bầu cử ngày hôm qua. Và tôi nghĩ đó là một ngày tốt lành cho nền dân chủ. Nền dân chủ của chúng ta bị thử thách trong những năm gần đây, nhưng với lá phiếu của mình, người dân Mỹ đã lên tiếng và chứng minh một lần nữa rằng nền dân chủ chính là con người chúng ta", Đài CNN dẫn lời ông Biden nói ngày 9-11.
Tổng thống Biden khẳng định "làn sóng đỏ khổng lồ mà báo chí và các chuyên gia đang dự đoán đã không xảy ra".
Ông cho biết Dân chủ mất ít ghế tại Hạ viện nhất trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của bất cứ tổng thống thuộc Đảng Dân chủ nào trong 40 năm qua. Ngoài ra, theo ông Biden, Đảng Dân chủ đã có cuộc đua thống đốc bang thành công nhất kể từ năm 1986.
Trong khi đó, cuộc đua ở Thượng viện vẫn đang so kè khi phe Cộng hòa hiện ước tính đã có được 49 ghế (tính đến 14h ngày 10-11), còn hai ghế để giành quyền kiểm soát cơ quan này.
Cuộc đua có thể mất nhiều tuần để ngã ngũ, nếu bang chiến địa Georgia phải tổ chức thêm vòng bầu cử vì hai ứng viên đều không đạt được 50% số phiếu cần thiết để chiến thắng, nhưng Cộng hòa dự kiến sẽ chiếm Thượng viện với khoảng cách hẹp hơn dự kiến.
Nhưng đó "rõ ràng không phải làn sóng Cộng hòa, chắc chắn là như vậy", thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa thừa nhận.
Lo ngại của cử tri
Các nhân viên kiểm phiếu ở Arizona, Mỹ, ngày 9-10 - Ảnh: REUTERS
Giới phân tích đồng tình với đánh giá của ông Biden, nhưng cho rằng thành tích của Dân chủ có vẻ không xuất phát từ sự tín nhiệm của cử tri với đảng này, mà là do cử tri lo ngại về sự cực đoan của phe Cộng hòa, chẳng hạn như quyền phá thai.
Giáo sư khoa học chính trị David Cohen của Đại học Akron, bang Ohio, cho biết phán quyết của Tòa án Tối cao hồi tháng 6-2022 về hủy bỏ quyền phá thai ở Mỹ đã tạo lợi thế cho phe Dân chủ. "Đó là một trong những vấn đề quan trọng tạo động lực cho Đảng Dân chủ trong các cuộc thăm dò", ông Cohen nhận định trên Đài Al Jazeera.
Ngoài ra, một số chính sách của ông Biden nhận được sự ủng hộ như đạo luật chi tiêu hạ tầng vào năm ngoái, chi hàng tỉ USD để đối phó với biến đổi khí hậu hay xóa nợ cho các sinh viên.
"Xét về lịch sử, đây rõ ràng là một đêm (đêm bầu cử 8-11) khó tin cho Dân chủ... Dù Dân chủ mất Hạ viện, và có vẻ là như vậy, thế đa số của Cộng hòa sẽ rất hẹp và đó có thể coi là một chiến thắng cho Dân chủ", bà Lara Brown, giáo sư khoa học chính trị của Đại học George Washington, nhận định.
Trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, Nhà Trắng thường tổn thất nặng tại Quốc hội. Cựu tổng thống Donald Trump (Cộng hòa) đã mất hàng chục ghế ở Hạ viện năm 2018. Trước đó, cựu tổng thống Barack Obama (Dân chủ) đánh mất thế đa số ở cả hai viện năm 2010. Tình huống cũng xảy ra tương tự dưới thời các cựu tổng thống George W. Bush và Bill Clinton.
Hợp tác
Dù Dân chủ có thể nhẹ nhõm với cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cho chính quyền ông Biden. Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ mời lãnh đạo lưỡng đảng trong Quốc hội đến Nhà Trắng để thảo luận về việc hợp tác. "Người dân Mỹ đã nói rõ rằng họ mong muốn Đảng Cộng hòa sẵn sàng làm việc với tôi", ông Biden nói.
Dù vậy, ông cũng vạch "lằn ranh đỏ" với Đảng Cộng hòa, khẳng định ông sẽ phủ quyết các đạo luật có thể làm lạm phát trầm trọng hơn, cắt giảm an sinh xã hội, chăm sóc y tế, hay bất cứ nỗ lực nào nhằm cấm phá thai trên toàn quốc.