Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 1743/QĐ-TTg về việc giao dự toán thu, chi ngân sách trung ương năm 2023 cho PVN số tiền 8.247 tỷ đồng để thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2018 - 2023.
Trước đó, tháng 11/2022, Chính phủ đã đưa đề xuất trình Quốc hội đề nghị bù giá hơn 8.257 tỷ đồng cho bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong năm 2023 tại Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, ngay sau đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và có nhắc đến việc rà soát, tính toán chính xác kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng quy định và yêu cầu kiểm toán số bù giá nói trên.
Tháng 11/2023, sau khi Chính phủ trình đề xuất bù giá hơn 9.600 tỷ đồng cho sản phẩm xăng dầu của Nghi Sơn, sau thẩm tra, với gần 89,9% số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sô 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương 2024, trong đó có việc chi dự toán ngân sách 2024 cho bù giá sản phẩm xăng dầu của Nghi Sơn.
Theo Quyết định số 1743, việc giao dự toán thu chi ngân sách trung ương năm 2023 từ nguồn chi đầu tư phát triển khác cho PVN là để xử lý tài chính, thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2018 - 2023. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo đề xuất.
Ngoài khoản bù giá cho Nghi Sơn giai đoạn 2018 đến 2023, số bù giá phát sinh từ năm 2024 đã được Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương và việc quyết toán số liệu thực tế phát sinh theo quy định của Luật Ngân sách, pháp luật có liên quan.
Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN (25% vốn) và các đối tác khác của Kuwait và Nhật Bản tham gia; dự án này có số vốn hơn 9 tỷ USD và chính thức vận hành thương mại tháng 12/2018.
Theo cam kết bảo lãnh của Chính phủ, PVN sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Nghi Sơn trong 10 năm, với giá mua buôn, tương đương với giá nhập khẩu cùng thời điểm được cộng thêm ưu đãi thuế nhập khẩu mức 3- 7%, trong đó với xăng là 7% và hóa dầu là 3%, còn lại là sản phẩm khác).
Trong 10 năm từ khi dự án vận hành thương mại (2018-2028), nếu thuế nhập khẩu xăng dầu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này dự kiến từ năm 2018 đến 2028 có thể lên đến hàng tỷ USD.
Thực tế, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu đã được thực hiện khi Việt Nam ký kết các FTAs thế hệ mới với ASEAN và đặc biệt với Hàn Quốc, hai thị trường mà Việt nam nhập khẩu xăng dầu số lượng rất lớn, chiếm khoảng 60% đến 80% tổng sản lượng. Cụ thể, hết 11 tháng năm 2023, Việt Nam nhập hơn 9,3 triệu tấn xăng dầu , kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD, trong đó nhập từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia chiếm khoảng 60% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, đây là hai khu vực mà Việt Nam có mức thuế nhập khẩu rất thấp, với Hàn Quốc thuế suất thuế nhập khẩu chỉ 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, trong khi đó với các nước ASEAN, Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đến năm 2024 và sẽ bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu từ năm 2024 trở đi.