Thu thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh là một nghịch lý
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong quý I/2022, khoản từ thuế thu nhập cá nhân đã đạt 43,3% dự toán cả năm và tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với dự toán cả năm hơn 118.000 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân quý đầu năm ước lên tới hơn 50.700 tỷ đồng. Thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh trong 3 tháng qua phần lớn nhờ nguồn thu từ người làm công ăn lương và chuyển nhượng bất động sản.
Tổng cục Thuế cho biết, tiến độ thu này "là bình thường", tương đương với tiến độ thu cùng kỳ các năm trước. Năm 2021, trong ba tháng đầu năm, số thu thuế thu nhập cá nhân cũng hoàn thành xấp xỉ 39% kế hoạch cả năm. Thời hạn nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân là cuối tháng 3, do đó các tổ chức nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều trong quý I trước khi nộp quyết toán, tránh phát sinh tiền thuế chậm nộp.
Bên cạnh đó, theo lý giải của Tổng cục thuế, năm nay nền kinh tế mở cửa, không còn thực hiện các biện pháp giãn cách kéo dài, trên diện rộng nên thuế thu nhập cá nhân nộp ngân sách trong quý đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đời sống, thu nhập của người dân giảm đáng kể do thất nghiệp, mất việc, giãn việc ở diện rộng, bên cạnh đó, trong 3 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng ngót 2%, xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục kéo theo giá cả hàng hóa đồng loạt tăng theo thì tổng số tiền thu thế từ thu nhập cá nhân vẫn tăng khủng là một nghịch lý.
Theo ông Thịnh, thuế TNCN vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương, bởi tỉ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều.
“Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Bậc quá ngắn nhưng thuế suất quá cao
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nêu thực tế, nếu một người sống ở TP.HCM, nếu thu nhập của 2 vợ chồng 50 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con ăn học, thu nhập đó không còn cao, do chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Ông Hiển cho rằng, thu thuế TNCN tính với người thu nhập cao song nên theo hướng người dân cần được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Các chi phí hợp lý cần được tính tới để giảm trừ cho người dân như: tiền nhà (thuê hoặc vay mua nhà), nuôi con ăn học, chi phí y tế, giải trí, du lịch…. Nên tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân lên 15 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ với người phụ thuộc cũng phải tăng. Thuế TNCN cần tính tổng thu nhập trừ chi phí, không chỉ tách tính riêng tiền lương, tiền công”, TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thuế TNCN cần phải tính trên tổng thu nhập trừ đi chi tiêu của bản thân và gia đình người nộp thuế, các chi tiêu có hoá đơn. Thay vì chỉ tính với tiền công, tiền lương, một số khoản thu thuế kiểm soát được và một mức giảm trừ gia cảnh áp dụng chung. Mức giảm trừ gia cảnh hiện không rõ về nguyên tắc, tiêu chí, không thay đổi theo thu nhập bình quân đầu người, lương tối thiểu, các khoản chi hợp lý khác của người dân. Chưa kể, khi dịch COVID-19 xảy ra, có gia đình chồng thu nhập phải nộp thuế, nhưng vợ mất việc, thất nghiệp kéo dài.
“Tôi đơn cử, một người tuy thu nhập khá cao, nhưng họ phải chi phí lớn cho chữa bệnh, thuê nhà ở, học hành của các con, thành ra họ sống rất chật vật nhưng lại nộp thuế cao. Trong khi đó, những người có thu nhập thấp hơn song “chi phí gia cảnh không lớn” thì lại ở ngưỡng nộp thuế thấp. Hay nói cách khác, cuộc sống đa dạng, có người 5-7 triệu đồng/tháng là đủ sống, có người 20 triệu đồng/tháng vẫn chưa đủ vì các lý do khách quan, nên người ta dù thu nhập cao mà vẫn xoay sở vất vả. Cần có cách tiếp cận sửa đổi Luật theo hướng hợp lý hơn, tránh cào bằng và có tính đến cuộc sống, chi phí thực tế của người dân”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Cũng theo ông Đức, thuế thu nhập cá nhân là một trong ba sắc thuế đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách nhà nước hằng năm, với 110.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu cân đối ngân sách của năm 2021. Nghĩa là thuế thu nhập cá nhân chỉ xếp sau hai sắc thuế trụ cột của nền kinh tế là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, diện đóng thuế chưa phủ đều. Theo thống kê, những người làm công ăn lương – chỉ chiếm khoảng 50% lực lượng lao động – là nhóm đóng góp chính với 70% nguồn thu thuế thu nhập cá nhân.
“Lần sửa đổi này, ban soạn thảo cần rà soát các nhóm như: bán hàng online, giới nghệ sĩ, cá nhân tự doanh, chuyển nhượng bất động sản… để bảo đảm việc đánh thuế công bằng và minh bạch. Trong thực tế, nếu tôi là người làm công ăn lương, cuối năm chỉ phát sinh vài triệu đồng thu nhập trên ngưỡng giảm trừ gia cảnh cũng sẽ bị tính thuế. Còn có những cá nhân tự doanh có thể thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng song tổng số thuế phải nộp không đáng bao nhiêu, vì không quản lý, nắm bắt được chính xác thu nhập của họ”, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Ông Đức cho rằng, khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc, nhất là ở thời kỳ “hậu Covid”, do đó, cần điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần từ 7 bậc thuế dày đặc hiện nay về còn 3 bậc. Trong đó, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng; bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng; và bậc cao là trên 100 triệu đồng. Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 2% (thay vì 5% như hiện nay), bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Cách thiết kế này sẽ giúp người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, nhất là nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng.
TS. Đinh Thế Hiển cũng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ bớt bậc với thuế TNCN; sửa quy định về thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ, thay vì căn cứ vào tổng mức lạm phát 20% sẽ điều chỉnh thì nên quy định 3-5 năm xem xét điều chỉnh 1 lần, hoặc điều chỉnh theo các lần tăng lương./.