BOT không chỉ có mặt tích cực
GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, con đường đã được xây dựng tại Cai Lậy có sở hữu của người dân, do người dân đã đóng thuế, trả phí để xây dựng, bảo dưỡng. Việc trải thảm trên đường cũ cộng với việc xây dựng đường mới là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Những bây giờ nhà nước lấy ra để góp vào dự án PPP như thế nào? Ai đánh giá phần nhà nước là bao nhiêu? Đường cũ trị giá bao nhiêu?” – ông Lã Ngọc Khuê đặt câu hỏi.
Ông Lã Ngọc Khuê cho biết thêm về kinh nghiệm triển khai BOT trên thế giới. Tại Trung Quốc, cơ quan trung ương của nước này từng chia sẻ, rất khó khăn khi làm dự án BOT. Có trường hợp doanh nghiệp làm đường độc đạo rồi “ép” Nhà nước không được mở thêm đường. Do đó, BOT không phải chỉ có mặt tích cực và cơ quan trung ương Trung Quốc từng thừa nhận rằng, gần như chưa có một dự án BOT nào đúng với tính chất của nó.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) đánh giá, nhận thức về BOT hiện nay chưa đúng. Thậm chí, đánh đồng BOT với một dạng duy tu, bảo dưỡng, tăng cường mặt đường bình thường, không phải công trình để người dân lựa chọn trên cơ sở tiện ích, giá cả, chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đã có lúc hiểu lầm rằng BOT không phải là dự án đầu tư công, không được quản lý như quản lý tài chính công và dường như kiểm toán nhà nước và quản lý không có vai trò ở đây.
“Từ 2 nhận thức đó, khiến quản lý BOT, BT bị lòng lẻo, tùy tiện, định hướng méo mó theo lợi ích nhóm. Dường như chúng ta thấy quá trình quản lý các dự án BOT chỉ diễn ra song song giữa chủ đầu tư và chủ dự án mà không có sự tham vấn, phối hợp đồng bộ của các bên liên quan, cũng như không tính tới quyền lợi người dân. Đặc biệt không dựa trên một quy chuẩn thống nhất về luật pháp, bao gồm: định nghĩa, quy định về quản lý, quy định về đối tượng, tiêu chí về đối tượng, quy trình triển khai các dự án này” – ông Nguyễn Minh Phong nhận định.
Di dời trạm vẫn là phương án đáng cân nhắc
Sau khi tiến hành thu phí trở lại vào ngày 30/11, người dân vẫn tiếp tục phản ứng ở trạm BOT Cai Lậy. Điều được nhắc đến nhiều nhất vẫn là vị trí đặt trạm thu phí trên tuyến QL1 thay vì ở tuyến tránh.
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, người dân không đi trên đường tránh nhưng vẫn phải trả phí do toàn bộ tuyến đường mới xây dựng và đường cũ được trải thảm thuộc dự án BOT. Theo ông Dũng, không thể chấp nhận việc trạm thu phí nằm ở ngã 3 đường mà không ở trên tuyến đường tránh.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải và Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (nhà đầu tư dự án) đều cho rằng, vị trí đặt trạm như hiện nay mới bảo đảm phương án tài chính cho dự án BOT ở Cai Lậy. Vị trí này cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều bên trong đó có đơn vị cung cấp vốn cho dự án. Ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, phía ngân hàng đã xem xét rất kỹ lưỡng về quy mô dự án, lưu lượng xe,... và vị trí đặt trạm trước khi cấp vốn vay cho công ty. Thực tế, nhà đầu tư chỉ đóng góp hơn 16% số vốn, khoản tiền còn lại do tổ chức tín dụng cung cấp.
Vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy hiện nay cũng nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT và chính quyền địa phương. Trong văn bản thông tin ngày 01/12/2017, Bộ GTVT nêu rõ: “Đối với Dự án này, trạm thu nằm trong phạm vi dự án, tuân thủ quy định pháp luật, đã đảm bảo khoảng cách >70km nên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính”.
Để giải quyết tình hình căng thẳng tại Cai lậy, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, không thể duy trì vị trí đặt trạm bất hợp lý như hiện nay. Trạm BOT cần được di chuyển về đúng vị trí là nằm trên tuyến đường tránh. Điều này cũng bảo đảm quyền lựa chọn đường đi của người dân.