Chừng 30 năm qua, khi khu vực Đồng Bành, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) xuất hiện loại na dai ăn ngọt đậm, dai bùi, ít hạt, múi na to, dễ bóc vỏ và để lâu ngày đã “lên ngôi”, chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, chừng 3, 4 năm nay, các thực khách phương xa và cả người bản địa lại thích na bởi. Họ cho rằng, na bở có đặc tính nôi trội là được trồng tự nhiên trên núi cao ở khu vực núi Kai Kinh thuộc Lũng Cút, đền Mỏ Ba, thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng). Na bở vỏ mỏng, ăn mát, bổ và đặc biệt có vị ngọt thanh rất dễ chịu. Thêm nữa, na bở có chứa dồi dào vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin cùng khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Bà Lê Hoài Nam, trú ở khu Thống Nhất 1, thị trấn Đồng Mỏ có vườn na ngay sát chân Đèo Bén cho biết; 5 năm nay gia đình quay lại trồng na bở vì khách quen đặt từ trước vụ. Na bở trồng và chăm sóc rất khó, ví dụ như thụ phấn cho na chỉ đạt 50-60% đậu trái (trong khi đó nếu thụ phấn cho na dai có thể đạt 98%).
Bà Nam cho biết, đến thời điểm ngày hôm nay (20/8) na vẫn chưa bước vào chính vụ. Lứa na đầu mùa bán rất chạy, chủ yếu bán cho khách mua buôn ở Hà Nội với giá 70-80 nghìn đồng/kg (tùy loại to, nhỏ, mẫu mã). “Na bở bán cao gần gấp đôi na dai. Na dai bán với giá 40-50 nghìn/kg thôi”. Bà Nam nói.
Hội na Chi Lăng đã và đang diễn ra ở mảnh đất Chi Lăng lịch sử. Tại đây, na bở được săn lùng với giá 80-90 nghìn đồng/kg. Na bở cũng đã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được dán tem dễ dàng truy xuất nguồn gốc; bởi vậy càng hút khách đến rinh na về nhà.