Hỗ trợ cần "nói đi đôi với làm"
Theo bà Mai Phượng Anh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Pantio, nền kinh tế Việt Nam với 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy không mang về được quá nhiều giá trị GDP cho đất nước, nhưng có một số lượng lao động vô cùng lớn và rất quan trọng.
Trong dịch bệnh COVID-19, khu vực này lại trở thành những doanh nghiệp yếu thế, tự bỏ mồ hôi nước mắt công sức cả đời tích cóp, nhưng chỉ một làn sóng dịch tràn qua đã mang đến thử thách quá lớn. Còn các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp Nhà nước, đôi khi chỉ có một chút kêu khó, đã được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, hoặc cho vay lãi suất gần như bằng 0 với số tiền lớn.
“Trong chương trình phục hồi lần này, đã cho thấy sự quan tâm, sát sao của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi cảm thấy rất mừng, nhưng trong cái mừng đó thì vẫn có băn khoăn, vì mình cũng đã trải qua nhiều năm kinh doanh trên thị trường, đã từng được hưởng các chính sách. Ví dụ như năm 2009, có chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư nhà máy, nhà xưởng, khi đó, chúng tôi gần như “dốc ruột” để đầu tư và ngay cả ngân hàng cho vay vốn cũng rất hào hứng, để doanh nghiệp bắt tay vào công việc, nhưng cho đến giờ phút này, thì mọi nỗ lực vẫn như bằng không vì dù Nhà nước thực sự muốn giúp doanh nghiệp, nhưng để triển khai lại là cả một vấn đề”, bà Phượng Anh bày tỏ.
Cũng theo vị nữ doanh nhân, việc hỗ trợ của Chính phủ phải đưa được đến đúng nơi, đúng chỗ, vì đồng vốn nước mình định đưa đến 800.000 tỷ đồng, mà chệch mục tiêu thì sẽ gây ra lạm phát lớn, bất ổn toàn nền kinh tế nói chung. Còn với người yếu thế, họ không trông chờ vào việc mỗi tháng được cấp bao nhiêu tiền, mà họ mong muốn có công việc ổn định, do đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và đóng bảo hiểm đầy đủ, những doanh nghiệp đã xây dựng một cách nghiêm túc, bền vững trong cả quá trình dài đầu tư tâm huyết cần được chú trọng.
“Chúng tôi vẫn có nhiều tài sản để vay ngân hàng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có tài sản bảo đảm để có thể tiếp cận vốn, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay, cơ hội cho doanh nghiệp càng bị thu hẹp dần”, Nhà sáng lập Pantio băn khoăn.
Nguồn lực nào cho chương trình phục hồi kinh tế?
Giảm 2% thuế VAT toàn ngành
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển có vấn đề cốt lõi không chỉ là khả năng hấp thụ nguồn vốn, nguồn lực của doanh nghiệp và nền kinh tế, mà phải nói đến cả khả năng thực thi của bộ máy. Một chương trình dù tốt, dù rất tích cực, nhưng năng lực thực thi hay cách thức tổ chức không tốt thì cũng không mang lại hiệu quả.
Hỗ trợ doanh nghiệp phải tính một giải pháp khả thi, đi vào thực hiện không tốn nguồn lực, không trải qua nhiều cấp chính quyền, không phải thực hiện ciệc chỉ đạo, điều hành... (ảnh minh hoạ)
Ông Tuấn dẫn chứng, trong chương trình hỗ trợ năm 2020, có nhiều chương trình đưa ra, công bố con số rất lớn, hay như cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động nhưng tỷ lệ giải ngân của gói 60.000 tỷ đồng này cực kỳ thấp. Thời gian ban hành vào tháng 3, tháng 4/2020, nhưng đến tận tháng 10 vẫn chưa có doanh nghiệp tiếp cận được. Sau đó Chính phủ phải sửa đổi thì mới có vài doanh nghiệp có thể vay vốn và cho đến giờ, việc triển khai thực hiện cũng còn hạn chế. Hay những gói như gói hỗ trợ 42.000 tỷ đồng và nhiều gói nữa, cũng chưa có tổng kết chính thức, nhưng rõ ràng, việc thực hiện thực tế chắc chắn có khoảng cách so với mong muốn và kế hoạch đề ra.
“Chính vì vậy, trong quá trình thảo luận về gói hỗ trợ phục hồi, cũng phải tính đến năng lực thực thi, chúng tôi khuyến nghị rằng, một trong những chương trình thực thi hiệu quả nhất đó là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Chương trình hiện nay chỉ giảm 30% thuế VAT cho nhóm doanh nghiệp ảnh hưởng cực kỳ nặng như du lịch, dịch vụ vận tải, lữ hành,... Gói đó tất nhiên là hữu ích, nhưng diện doanh nghiệp thụ hưởng ít, bởi những doanh nghiệp như du lịch, lữ hành quốc tế doanh thu bằng 0, thì giảm tới 30% cũng không có nhiều ý nghĩa với họ”, ông Tuấn cho biết.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng khuyến nghị, có thể giảm 2% thuế VAT rộng rãi hơn, ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực. Giải pháp này mang lại nhiều lợi ích, mà lợi ích đầu tiên là thực thi rất dễ và mọi người đều biết mình được hưởng 2% thuế này. Khi cả doanh nghiệp, người dân đều được hưởng sẽ giúp phía cung và phía cầu đều được kích thích.
Ngoài ra, nó còn mang lại hiệu ứng tâm lý hồ hởi, không khí phấn khởi trong nhân dân và cũng hợp với đạo lý “lúc doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, Nhà nước thu thuế, nhưng khi khó khăn Nhà nước giảm thuế”. Việc hỗ trợ về thuế là điều rất tốt và cũng công bằng cho các doanh nghiệp cũng như các ngành khác nhau.
Tuy vậy, cũng sẽ có khó khăn về kĩ thuật, vì thuế VAT là thuế phân chia theo Trung ương và địa phương, cho nên khi dự toán chi ngân sách ở các địa phương thì đã xong xuôi rồi, nên nếu giảm VAT thì nguồn đâu để hỗ trợ cho nhiều địa phương cũng là một vấn đề. Song nếu có sự đồng lòng và quyết tâm mạnh mẽ từ phía Chính phủ và Quốc hội vẫn có thể giải quyết được bài toán khó này.
Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, điểm mấu chốt là: Thứ nhất, phải tính một giải pháp khả thi, đi vào thực hiện không tốn nguồn lực, không trải qua nhiều cấp chính quyền, không phải thực hiện ciệc chỉ đạo, điều hành,...
Thứ hai, là thực thi làm sao phải nhanh, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong khi doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, nên giải pháp nào nhanh chóng đi vào cuộc sống mới giúp được nhiều, còn giải pháp phải thảo luận, thông qua, rồi mới triển khai thì mất quá nhiều thời gian, hiệu ứng trên thực tế cũng thấp mà doanh nghiệp không được “bơm máu” kịp thời.
“Còn xét về mặt vĩ mô, nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang bị chậm. Phải nói rằng, Chủ tịch Quốc hội hay nhiều lãnh đạo khác rất sốt ruột khi năm 2021, có nhiều nước đã đưa ra các gói giải pháp rất lớn, vì kinh tế thế giới đang tăng tốc, mà tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lại chậm lại. Nếu năm 2022 mới đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, mà bối cảnh các nước đã thực hiện xong rồi, chuẩn bị đến giai đoạn siết chặt lại vì e ngại lạm phát, mà có nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam thì nguy cơ bị lỡ nhịp là rất rõ. Do vậy, phải chọn giải pháp nào đi được vào cuộc sống nhanh, mang lại hiệu ứng trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.