Chị Bình, quê ở Thạch Thất (Hà Nội), hiện đang sống ở TP HCM. Chị đang làm việc cho một công ty tư nhân về xây dựng tại quận Gò Vấp, TP HCM.
Mỗi năm chị về quê khoảng 1 lần. Những năm trước kia chị thường đi tàu hoặc xe khách về Bắc. Nhưng mỗi lần đi như vậy, chị phải nghỉ cả tuần vì riêng thời gian đi từ TP HCM ra Hà Nội bằng tàu hay xe đã hết gần 3 ngày. Ở nhà chỉ được 1-2 ngày, rồi lại phải đi vì nghỉ việc lâu quá.
Cả hành trình cũng mất ít nhất 1 tuần mà về chưa kịp đi đâu, vì thực tế chỉ về thăm nhà được 1-2 ngày.
Mấy năm gần đây chị chọn đi máy bay, vì giá vé máy bay, nếu đặt trước, chỉ đắt hơn giá tàu một chút. Chẳng hạn như vé máy bay từ TP HCM, nếu đặt trước, thì có thể khoảng 1,5 triệu/người, vé tàu cũng hơn 1 triệu đồng. Trong khi thời gian bay thì chỉ mất khoảng 2 tiếng/lượt bay.
Nhiều người ở TP HCM cũng có tâm lý như chị Bình, chọn được bay hơn là đi ô tô hay xe khách để tiết kiệm thời gian.
Với thị trường hàng không nội địa, các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất với 52 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương, theo NDH.
Nguồn: Bloomberg, Knoema, NDH
Đến tháng 10/2017, đối với thị trường quốc tế, hiện có 63 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 105 đường bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam, tăng mạnh so với năm 2016 (chỉ gồm 78 đường bay).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường không cũng quay trở lại đà tăng trưởng mạnh trở lại. Số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu 2017, lượng khách du lịch bằng đường không tới Việt Nam đạt hơn 8 triệu lượt khách, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ 2016, chiếm 80% tổng lượng du khách quốc tế.
Ông Randy J. Tinseth, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Mảng máy bay thương mại, Tập đoàn Boeing đánh giá thị trường hàng không Đông Nam Á đang tăng trưởng rất nhanh, nhờ sự phát triển của kinh tế kéo theo nhu cầu đi lại ngày càng cao đối với các dịch vụ vận tải đường dài.
Hãng Boeing ước tính các đối tác của họ tại khu vực này sẽ cần thêm 940 máy bay thân rộng, tổng giá trị khoảng 280 tỷ USD trong 20 năm tới.
"Chúng tôi đánh giá Việt Nam là nơi có tăng trưởng tốt", ông Randy đánh giá. Việt Nam là nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 10 năm qua. Lưu lượng hành khách đi lại nội địa mỗi năm tăng 20% và đi lại ngoài nước tăng 7%
Vị này cũng dự báo rằng năm 2018 thị trường hàng không Việt sẽ là một năm tăng trưởng ngoạn mục.
Thu nhập và đời sống ngày càng cao, người dân có nhu cầu du lịch hoặc mở rộng kinh doanh ở nhiều nước. Bên cạnh đó, nhiều khách du lịch hoặc kinh doanh cũng muốn tới Việt Nam. Đó là lý do vì sao nhiều hãng hàng không nước ngoài mở đường bay tại Việt Nam.
Air Seoul Inc. - một công ty con cung cấp dịch vụ bay giá rẻ của hãng hàng không Asiana Airlines của Hàn Quốc, đã mở đường bay tới Đà Nẵng trong tháng 5 vừa rồi.
Hiện 6 hãng hàng không của Hàn Quốc đang cung cấp dịch vụ vận tải hàng không tới Đà Nẵng - thành phố thu hút khoảng 500.000 du khách Hàn Quốc mỗi năm.
Cuối tháng 5 vừa qua, Hãng hàng không Edelweiss của Thụy Sĩ thông báo sẽ chính thức khai thác các chuyến bay thẳng giữa Zurich và TP. HCM bắt đầu từ ngày 15/11/2018.