Số lượng cặp vợ chồng lớn tuổi quyết định ly hôn ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc. Trong quá khứ, vì để giữ không khí hòa thuận trong gia đình, những người cao tuổi vẫn cố gắng sống cùng bạn đời, dù hai người có những xung đột và bất hòa. Song hiện tại, chuyện ly hôn ở các cặp vợ chồng lớn tuổi tại Hàn Quốc lại đang ngày càng trở nên phổ biến, do mỗi cá nhân có xu hướng đề cao hạnh phúc của bản thân.
Theo dữ liệu của Cục Thống kế Hàn Quốc, số lượng cặp đôi chia tay sau hơn 30 năm chung sống chiếm 17,6% trong tổng số các vụ ly hôn vào năm 2021. Cách đây 10 năm, tỷ lệ này chỉ là 7%.
Số cặp vợ chồng cao tuổi ở Hàn Quốc ly hôn ngày càng gia tăng. (Ảnh: Chosun Ilbo)
Tổng số vụ ly hôn đã giảm từ 114.300 xuống còn 101.700 trong cùng thời kỳ. Nhưng số vụ ly hôn của những cặp đôi lớn tuổi lại tăng từ 7.900 lên thành 17.900.
Theo Chosun Ilbo, một cụ bà ngoài 70 tuổi đã đi xin tư vấn sau hàng thập niên cố gắng chịu đựng những lời lẽ xúc phạm từ người chồng. Bà cho biết bản thân không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyện cố gắng chịu đựng, do chồng bà là người nắm tài chính của cả nhà.
“Gần đây sức khỏe của tôi đã suy yếu, nhưng tôi vẫn phải chăm sóc cho chồng mình. Tôi muốn có cuộc sống riêng ngay bây giờ, và được hưởng sự yên bình”, bà lão ngoài 70 tuổi chia sẻ.
Một lý do khác thúc đẩy số vụ ly hôn ở các cặp vợ chồng cao tuổi gia tăng là sự đồng thuận từ con cái.
Một chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Hỗ trợ luật về các mối quan hệ gia đình tại Hàn Quốc cho hay, “Vào những năm 2000, nhiều người con không chấp nhận chuyện bố mẹ ly hôn. Nhưng nay, tỷ lệ này đã gia tăng do quyền cá nhân được xem trọng hơn là sự đoàn kết trong gia đình. 7/10 người tới xin tư vấn cho hay họ nhận được sự ủng hộ từ phía các con”.
Hay như cuộc khảo sát có 1.786 người tham gia của Viện Phát triển Xã hội và Nghiên cứu Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Seoul cho thấy, 6/10 người tham gia trả lời câu hỏi trong độ tuổi ngoài 20 và 30 cho hay họ có thể hiểu được lý do vì sao các cặp vợ chồng muốn được ly hôn.
Việc phụ nữ lựa chọn rời xa bạn đời cũng đang được pháp luật tăng cường bảo vệ với những điều khoản ưu ái hơn. Nhiều tòa án công nhận việc phụ nữ ở nhà nội trợ là hành động đóng góp vào khối tài sản chung của hai vợ chồng, Do đó, khi ly hôn, phụ nữ sẽ được phân chia tài sản công bằng hơn. Thậm chí, ngày càng nhiều bà nội trợ được hưởng 1/2 lương hưu của chồng.
Ông Jeon Young-soo tại Đại học Hanyang nhận định, “Do tuổi thọ trung bình tăng, sự hoài nghi về truyền thống duy trì một hệ thống gia đình phụ quyền cũng ngày càng gia tăng”.
Điển hình, vào tháng 12/2021, chính quyền thành phố Seoul cho hay 3.360 cặp vợ chồng lớn tuổi chung sống hơn 30 đã quyết định chia tay. Con số này chiếm 20,6% trong tổng số 16.282 cặp đôi ly hôn ở Seoul vào năm 2000.
Ngoài ra, độ tuổi trung bình ly hôn ở Seoul trong năm 2000 là 51,1 tuổi đối với nam giới và 48,3 tuổi ở nữ giới, tăng khoảng 10 tuổi so với cách đây 20 năm.