Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức "Hội thảo cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025".
Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, các Nghị quyết 19 và 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, các Nghị quyết 19 và 02 được xây dựng với cách tiếp cận cải cách dựa trên chuẩn mực quốc tế, dựa vào đánh giá quốc tế để tạo động lực cải cách trong nước; mục tiêu và vấn đề trọng tâm được điều chỉnh, bổ sung hàng năm.
Kết quả, hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều tăng điểm, mặc dù có những chỉ số không cải thiện nhiều về thứ hạng toàn cầu, do các nước khác cũng tiến hành cải cách. Cụ thể, xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam liên tục được cải thiện; hiệu quả logistics được cải thiện rõ nét…
Đáng chú ý, các nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh được ghi nhận. Trong giai đoạn 2017-2019, có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung này, với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh. "Khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về điều kiện kinh doanh, với sự tham gia của nhiều bên trong theo dõi, đánh giá", bà Thảo nhận định.
Kết quả, đến hết năm 2019, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh được thống kê trước đó. Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Điều kiện kinh doanh trùng lặp được cắt bỏ; chuyển điều kiện kinh doanh sang quản lý theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.
Bổ sung thêm 4 nhóm giải pháp
Giải thích thêm về một số ý kiến thắc mắc tại sao Nghị quyết 02 năm 2021 được Chính phủ ban hành chỉ dài có 3 trang, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, các nỗ lực cải cách không hề chùng xuống, mà ngược lại.
Theo đó, Nghị quyết 02 nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02 năm 2019, đồng thời bổ sung thêm 4 nhóm giải pháp. "Có thể nói, Nghị quyết 02 năm 2021 là Nghị quyết 02 năm 2019 cộng 4", ông Phan Đức Hiếu so sánh.
Giải thích rõ hơn, bà Nguyễn Minh Thảo cho hay, Nghị quyết số 02 năm 2019 đã được xây dựng cho lộ trình hằng năm và đến năm 2021. Do vậy, Nghị quyết số 02 năm 2021 nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02 năm 2019. Ngoài ra, Nghị quyết 02 năm 2020 cũng đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho năm 2020 và định hướng cho năm 2021.
Theo CIEM, nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy ngắn gọn, Nghị quyết 02 năm 2021 cũng bổ sung thêm 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo các nguyên tắc: phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch; trong một bộ, ngành thì chỉ có một đầu mối quản lý đối với một mặt hàng; kết nối, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Thứ hai là chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ ba là thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: đầu tư kinh doanh bền vững; chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.