Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016 – 2021 chiều 25-8, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM, thông tin từ năm 2016 - 2021, đối tượng nhận BHXH một lần tăng cả về số người lẫn số tiền. Đối tượng đề nghị hưởng chủ yếu là người lao động (NLĐ) đóng BHXH dưới 20 năm (chiếm tỉ lệ trên 95%) và có xu hướng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi. Đáng lưu ý là số người có quá trình tham gia BHXH trên 10 năm chọn hưởng BHXH một lần cũng có xu hướng tăng và chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng số hồ sơ đã được giải quyết. Năm 2018 là 17.944 hồ sơ (tỉ lệ 18,6%), năm 2019 là 20.278 hồ sơ (tỉ lệ 21%) và năm 2020 là 24.915 hồ sơ (tỉ lệ 22,3%), tăng gấp 1,4 lần năm 2018.
Đáng lo hơn là các trường hợp tham gia BHXH tự nguyện nhận BHXH một lần cũng tăng theo từng năm. Theo Sở LĐ-TB-XH, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giảm tỉ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam và nữ; Tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều NLĐ mất việc làm, thu nhập nên chọn hưởng BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó, do mức hưởng BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH năm 2014 cao hơn so với quy định trước đây; Chính sách về BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn, mức hỗ trợ của Nhà nước không nhiều và thời gian để hưởng hưu trí khá dài.
Từ tình trạng trên, TP HCM kiến nghị Quốc hội xem xét tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện, tăng quyền lợi, mở rộng phạm vi chế độ được hưởng (hiện nay chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất) và giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu cho phù hợp. TP HCM cũng kiến nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội việc hoàn thiện chế độ hưu trí theo hướng kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập từ chế độ hưu trí; Trình Quốc hội xem xét sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được thụ hưởng chính sách hưu trí...
Xung quanh những kiến nghị trên, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có vệt bài "Vì sao Người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" và đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Góp ý sửa đổi chính sách BHXH, bạn đọc Báo Người Lao động cho rằng: Nguyên tắc đóng BHXH là đóng - hưởng. Do đó chỉ qui định mức tối thiểu đóng bao nhiêu năm là được hưởng lương hưu. Ví dụ đóng 10 năm là được hưởng 35%, trên 35% được hưởng 75- 85%. Cứ đóng đủ thời gian là được nghỉ hưu và lãnh lương hưu. Không nên qui định tuổi hưu vì nó rất vô lý. Một người tham gia thị trường lao động và đóng BHXH từ 15 tuổi chờ đến 62 tuổi mới nghỉ hưu thật là vô lý. Một người tham gia thị trường lao động đóng BHXH năm 40 tuổi đến 62 tuổi cũng nghỉ hưu. Sửa luật phải từ thực tiễn cuộc sống, đánh giá tác động của xã hội rõ ràng, kỹ lưỡng, không nên áp đặt luật sẽ không đi vào cuộc sống, làm cho xã hội bất ổn.
Theo Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luât sư TP Hà Nội, không quan trọng bao nhiêu năm, cứ đóng nhiều thì lãnh nhiều đóng ít thì lãnh tiền hưu ít đơn giản vậy thôi. Nếu người lao động, nam từ đủ 53 tuổi đến 62 tuổi; Nữ từ 50 tuổi đến 60 tuổi, trong khoảng tuổi đó nếu đóng đủ thời gian BHXH theo quy định với các mốc có thể 10, 15, 18 hay 20 năm đóng BHXH ứng với tỉ lệ hưởng 45%, 55%, 65% hay 70%, thì được nghỉ hưởng chế độ BHXH hàng tháng theo nguyện vọng của người lao động. Nếu người lao động đã có đủ điều kiện về độ tuổi, số năm đóng BHXH nhưng trong khoảng độ tuổi đó nếu họ còn đủ sức khỏe, năng lực làm việc... thì họ có thể tiếp tục phấn đấu, cống hiến làm việc để đạt được các mốc cao hơn, tương ứng với mức hưởng cao hơn, nhưng không vượt quá độ tuổi tối đa"..