Trong những tuần gần đây, ít nhất 25 tiểu bang ở Mỹ, tất cả các bang này đều có thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa, đã cắt trợ cấp thất nghiệp liên bang. Việc này bất chấp một thực tế rằng các chương trình trợ cấp này đã được chính phủ liên bang tài trợ hoàn toàn cho đến đầu tháng 9 và các tiểu bang không phải mất chi phí. Kim Reynolds, thống đốc của bang Iowa, đã đổ lỗi cho các khoản thanh toán này là "không khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc".
Một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng rất có thể những khoản trợ cấp trên "chỉ như là một nhân tố cản trở khác" ngăn cản người lao động quay trở lại công việc cũ. Ví dụ, các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em gặp nhiều khó khăn hơn nhiều trong việc tìm kiếm nhân sự so với trước khi đại dịch xảy ra. Những nhân viên lo ngại về vấn đề sức khỏe có thể vẫn cảnh giác trước viễn cảnh quay lại làm việc toàn thời gian.
Dù lý do là gì, thị trường lao động của Mỹ đang xuất hiện những điều kỳ lạ. Nhân công bỏ việc với tỷ lệ chưa từng có trong thế kỷ này. Theo dữ liệu sơ bộ từ Bộ Lao động Mỹ, vào tháng 4, có tới 2,7% lực lượng lao động đã bỏ việc — cao hơn nhiều so với mức cao nhất trước đó là 2,4% (mức này chỉ duy trì trong 1 thời gian ngắn trong giai đoạn năm 2001 - 2019). Mặc dù mức này đã tăng trong nhiều năm, nhưng tỷ lệ thôi việc đặc biệt rất cao trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn, hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch khi mọi người ngừng đi du lịch và mua sắm trực tuyến.
Không có bằng chứng về một làn sóng lớn trong việc chuyển dịch phương thức làm việc từ tại văn phòng sang làm việc tại nhà. Dịch vụ lưu trú và ăn uống - một phân khúc của lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng -đã có nhiều cơ hội mở cửa hơn và do đó đã thuê nhiều nhân viên hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Việc cạnh tranh giành giật nhân công ngày càng gay gắt: các chuỗi nhà hàng bao gồm Chipotle, Olive Garden và McDonald’s đều có kế hoạch tăng lương. Mức lương cho các vị trí phi quản lý trong lĩnh vực khách sạn đạt mức kỷ lục 15,70 USD mỗi giờ vào tháng Tư.
Đối với chính quyền Biden, việc tăng lương vừa là điều đáng mừng nhưng cũng là điều đáng lo ngại. Vấn đề này được hoan nghênh vì ông Biden từ lâu đã ủng hộ việc gia tăng quyền lực và tài chính cho người lao động. Mức lương cao hơn - cùng với tỷ lệ bỏ việc cao là một dấu hiệu cho thấy niềm tin vào nền kinh tế. Tuy nhiên tiền lương và giá cả tăng có thể tạo ra một đợt lạm phát kéo dài, điều có thể khiến tình cảnh của người lao động sẽ không mấy tốt hơn trong điều kiện thực tế.
Tham khảo The Economist