Chứng khoán BIDV (BSC) vừa có báo cáo cập nhật ngành ngân hàng đề cập định giá cổ phiếu ngành đã tăng, tuy nhiên vẫn ở mức hấp dẫn. Đến 25/5, P/B dự phóng toàn ngành ngân hàng đã đạt mức 1,8x, cao hơn mức sử dụng để định giá toàn ngành. BSC cho rằng có thể nguyên nhân đến từ tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn, các câu chuyện của từng nhà băng trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn.
Trong quý I, tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng cải thiện mạnh, cao nhất là nhóm ngân hàng TMCP. Nhiều ngân hàng như MB tăng 8%, Sacombank tăng 6,3%, Techcombank tăng 6,2%...
Theo BSC, tăng trưởng cho vay bán lẻ của các ngân hàng đang phục hồi. Hiện nay, tỷ trọng cho vay cá nhân, SME và doanh nghiệp lớn khá đồng đều ở mức trung bình 50:30:20. Đây là tỷ lệ tương đối ổn định qua thời gian của các ngân hàng. Trong thời gian tới, nhiều nhà băng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay SME và cá nhân, từ đó có thể tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ (bao gồm cho vay SME và cá nhân) lên mức trung bình 80% cho toàn ngành.
Mục tiêu tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong dài hạn tiếp tục được đẩy mạnh nhằm hạn chế chi phí vốn. Đây là xu hướng chung trong thời gian tới của các ngân hàng. Tuy nhiên trong quý I, nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ CASA. Qua số liệu hàng năm, thông thường vào quý đầu năm, các ngân hàng đa phần đều giảm tỷ lệ CASA do nhu cầu người dân rút tiền cao trong dịp Tết, sau đó sẽ phục hồi mạnh bắt đầu từ quý II.
Lãi suất cho vay trung bình giảm, chủ yếu do 3 yếu tố. Thứ nhất là mặt bằng chung lãi suất tiếp tục giữ ở mức tương đương quý IV/2020. Thứ hai là nhiều khoản vay tái cơ cấu đã hết thời hạn và có khả năng tiếp tục trả lãi vay. Thứ ba là tăng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn với mức lãi suất thấp hơn. Trong khi đó, nhờ việc tối ưu cơ cấu nguồn vốn, lãi suất huy động trung bình của toàn ngành vẫn được giữ ở mức thấp. Do đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành được cải thiện mạnh tăng 10,7 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
|
Trong quý II, BSC cho rằng lãi suất trung bình sẽ tăng so với cùng kỳ do các khoản vay chủ yếu được tái cơ cấu và giảm lãi suất bắt đầu từ cuối quý I và kéo dài hết 2021. Thêm vào đó, BSC kỳ vọng lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động. Do đó, BSC kỳ vọng NIM toàn ngành trong quý II vẫn sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh so với cùng kỳ.
Mặt khác, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh trở lại. Trong quý I, tăng trưởng thu ngoài lãi phục hồi mạnh, tăng 44,3%. Thu nhập từ phí trong năm 2021 sẽ hồi phục nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất là không còn giảm phí hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu và nền kinh tế chung. Thứ hai là các ngân hàng sẽ giảm tỷ trọng lợi nhuận thu từ mua bán trái phiếu chính phủ trong năm 2021. Thứ ba là tích cực tăng thu hồi từ nợ xấu. Cuối cùng là nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận những khoản one-off đến từ phí bảo hiểm độc quyền và bán công ty con.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí đưa tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức 37,3%, thấp nhất trong lịch sử.
Tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ ở mức cao và đang được cải thiện
NPLs toàn ngành giảm xuống mức 1,6% so với mức cao trong quý II và III/2020, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng và đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu và nợ nghi ngờ lên mức cao.
Nợ tái cơ cấu giảm mạnh, và ước tính tỷ lệ trích lập của các ngân hàng ở mức thấp. Trong quý I, các khoản nợ tái cơ cấu giảm mạnh, và nhiều ngân hàng dự kiến mức độ trích lập chỉ còn khoảng 3- 5% tổng dư nợ quý IV. Do đó, điều này càng làm khẳng định hơn về quan điểm nợ tái cơ cấu sẽ không phải vấn đề lớn trong thời gian tới với ngành ngân hàng.
|
Tỷ lệ CAR Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỷ lệ đều đảm bảo tốt tỷ lệ yêu cầu của SBV, và BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và LN của các DN.
BSC dự báo tổng thu nhập và lợi nhuận trước thuế của toàn ngành ngân hàng sẽ đạt 407,914 tỷ đồng và 177,135 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,2% và 34,3%. Các ngân hàng cũng đưa ra kế hoạch năm 2021 khả quan với kế hoạch tăng lợi nhuận dự kiến gần 21%. Các ngân hàng cũng đặt kế hoạch tăng vốn trong năm 2021, chủ yếu đến từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Một số ngân hàng có thể lên kế hoạch bán vốn cho nước ngoài trong thời gian tới như Vietcombank, BIDV, HDBank, VPBank...