Trina Solar - một trong số những nhà sản xuất pin mặt trời hàng đầu đang có mặt tại Việt Nam - cho hay, công ty này lựa chọn Việt Nam vì nhận thấy ngày càng có nhiều công ty thương mại và công nghiệp tại Việt Nam lựa chọn lắp đặt các tấm pin mặt trời áp mái và sử dụng điện năng tạo ra để giảm sự phụ thuộc vào lưới điện.
Ông Todd Li, chủ tịch Trina Solar khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tự tạo điện từ pin mặt trời áp mái có thể giúp tiết kiệm khoản chi phí rất lớn. Năm ngoái, Việt Nam đã lắp đặt 9,3GW pin mặt trời áp mái với khoảng 80% trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 20% cho dự án pin mặt trời áp mái thương mại và công nghiệp.
Ông cho biết thêm: "Chúng tôi thấy rằng vào năm 2021 sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với pin mặt trời áp mái cho lĩnh vực thương mại và công nghiệp vì các khu công nghiệp mới đã được xây dựng vào năm ngoái và những khu công nghiệp tại Việt Nam đã luôn dẫn đầu trong việc sử dụng năng lượng mặt trời."
Nhiều khu công nghiệp mới được xây dựng trong năm ngoái tại: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh ở phía bắc Hà Nội, phía Bắc thành phố Thanh Hóa và tỉnh Bình Dương ở phía bắc TP. Hồ Chí Minh.
Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rằng sẽ tiếp tục có các chính sách thúc đẩy sự phát triển của pin mặt trời áp mái cho dự án thương mại.
Pin mặt trời áp mái giúp các doanh nghiệp thương mại và công nghiệp tự cung tự cấp năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào lưới điện cũng như giảm lượng khí thải CO2 và ô nhiễm không khí.
"Pin mặt trời áp mái khá lý tưởng cho các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại vì mức tiêu thụ năng lượng của họ đạt mức cao nhất trong ngày và đó cũng là lúc lượng điện tạo ra từ các mô-đun năng lượng mặt trời cũng đạt mức cao nhất.", Todd Li cho biết.
Một trong những trở ngại trước đây đối với việc áp dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà là chi phí và việc thiếu mật độ năng lượng từ các tấm pin, nhưng những tiến bộ trong công nghệ sản xuất và công nghệ pin mặt trời đã giúp vượt qua những thách thức này. Ví dụ, công nghệ đa thanh cái giúp tăng khả năng hấp thụ ánh sáng; Công nghệ đóng gói mật độ dày được sử dụng để giảm không gian giữa mỗi tế bào quang điện và việc cắt không phá hủy được áp dụng để mỗi ô có các cạnh nhẵn.