Mới đây, công ty Srisawad Corporation của Thái Lan đã có công văn gửi đến Chính phủ với mong muốn được mua lại 100% vốn của Agribank tại công ty cho thuê tài chính ALCI. Công ty này cho biết sẵn sàng trả cho Agribank đầy đủ vốn điều lệ ban đầu và toàn bộ số tiền nợ gốc do ALCI đã vay của Agribank trong thời gian hoạt động (tổng cộng khoảng 523 tỷ đồng), đồng thời thừa kế toàn bộ công nợ hiện tại của ALCI.
Đáng chú ý là ALCI đang bị thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu khá nặng. Tính đến cuối năm 2017, ALC I có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, dư nợ cho thuê là hơn 586 tỷ đồng. Lãi trước thuế của công ty năm 2017 là hơn 19 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế lại ở mức 714 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bị âm 437 tỷ đồng.
Cách đây vài ngày, trong một cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) bày tỏ mong muốn mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua mua lại các công ty tài chính nước ngoài hoặc các công ty tài chính có cổ phần của nhà nước.
Trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời. Tại thời điểm hết quý 3/2018 (số liệu mới nhất), chỉ số ROA và ROE của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt 3,02% và 13,83%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng.
Với các công ty làm ăn khấm khá, việc hấp dẫn nhà đầu tư không có gì là lạ, thế nhưng ngay cả những công ty thua lỗ nặng nề mà vẫn được nhà đầu tư "nhòm ngó" và mong muốn sở hữu thì quả là khó lý giải.
Chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, và ông chỉ ra 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn rất lớn. Theo số liệu mới công bố gần đây thì hiện nay, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chiếm khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu bóc tách rõ ràng phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất, tín dụng tiêu dùng cũng chỉ tương đương khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, ở người láng giềng Trung Quốc, tỷ lệ này là 21%, ASEAN là khoảng 34%. Rõ ràng, lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Thứ hai là giá mua hiện nay, theo ông Lực là khá phù hợp, tương đối hấp dẫn vì chỉ số P/E tại Việt Nam hiện nay đã được điều chỉnh khoảng 13-14 lần.
Thứ ba là khoản đầu tư mua các công ty tài chính đó không phải là quá lớn, phù hợp với chiến lược, mang tính chất thăm dò thị trường, thâm nhập thị trường của các tổ chức nước ngoài.
Ông Lực cũng cho rằng, ở trường hợp công ty cho thuê tài chính của Agribank dù bị thua lỗ nhưng vẫn được NĐT nước ngoài quan tâm vì mức giá mua không quá cao, tương đối phù hợp. "Nhà đầu tư hẳn cũng đã nghiên cứu rất kỹ cơ hội và nhận thấy tiềm năng phát triển ở đó", ông nói.
Trên thực tế, xu hướng thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính đã diễn ra trong 3 năm trở lại đây. Hồi đầu tháng 1/2019, Shinhan Card đã chính thức được NHNN chấp thuận việc mua lại toàn bộ công ty tài chính Prudential ở Việt Nam. Shinhan Card đã phải bỏ ra khoảng 151 triệu USD tương đương 3.400 tỷ đồng cho thương vụ. Tổng Giám đốc của công ty này cho biết luôn coi Việt Nam là thị trường nước ngoài trọng điểm để đầu tư và sẽ tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng có nhiều tiềm năng.
Cuối năm ngoái (2018), Lotte cũng đã hoàn tất bước thủ tục pháp lý cuối cùng trong thương vụ mua lại Techcom Finance, giá trị thương vụ M&A này lên tới 1.700 tỷ đồng. Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 cũng đã mua lại 49% vốn của Công ty Tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB).
Cách được ưa chuộng nhất khi các tập đoàn nước ngoài thâm nhập vào thị trường tài chính Việt Nam thường là mua đứt các công ty tài chính thay vì thành lập mới. Ông Cấn Văn Lực giải thích, bởi thành lập công ty tài chính mới hoàn toàn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn về pháp lý và thủ tục. Hơn nữa, mức giá để mua các công ty tài chính theo ông quan sát thời gian qua cũng khá phù hợp. Theo đó, thay vì phải bỏ nhiều tiền, mất nhiều thời gian để thành lập mới thì mua đứt các công ty tài chính có nhiều ưu điểm hơn, Chính phủ Việt Nam cũng rất hoan nghênh sự tham gia của các NĐT ngoại.
Sự đổ bộ của các nhà đầu tư nước ngoài dự báo sẽ mang đến cuộc cạnh tranh khốc liệt trong mảng tài chính tiêu dùng những năm tới. Sân chơi này hiện đang được các công ty tài chính nội địa chiếm lĩnh, trong đó dẫn đầu là những cái tên FE Credit, HD Saison,....
Tuy nhiên, là những nhà bán lẻ với các trung tâm thương mại lớn, Lotte hay Aeon đang có nhiều lợi thế để cạnh tranh ở thị trường ngách khi xây dựng một công ty tài chính riêng, cho vay tiêu dùng để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình. Giới quan sát cũng kỳ vọng rằng, những nhà bán lẻ lớn trong nước như Vinmart, Thế giới di động,...cũng sẽ có những bước đi tương tự, và khi đó, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ ngày càng được hoàn thiện và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.