Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
“Mục tiêu cụ thể quản lý thị trường vàng tại dự thảo nghị định bao gồm: Tiếp tục quản lý thị trường vàng miếng nhằm duy trì ổn định bền vững thị trường vàng miếng; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng nguyên liệu; tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp” - đại diện NHNN lý giải.
Nhiều điểm mới
Dự thảo nghị định này có nhiều điểm bổ sung, sửa đổi lớn. Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Nghị định 24, Nhà nước chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng , xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Nhưng tại dự thảo sửa đổi, NHNN đề nghị bổ sung quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản . Đồng thời hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Đáng chú ý, theo đại diện NHNN, hiện nay trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24 và các văn bản khác. Hơn nữa, việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đặc biệt doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
NHNN cho rằng vàng miếng đang giảm sức hấp dẫn với người dân. Ảnh: HTD
Để khắc phục khiếm khuyết trên, NHNN đề nghị bổ sung quy định: Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm xây dựng quy định, quản lý, kiểm tra, thanh tra quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Đặc biệt, theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh chỉ được kinh doanh tại các địa điểm đính kèm giấy phép của NHNN. Việc điều chỉnh nội dung trên giấy phép, thay đổi tên, địa chỉ và bổ sung địa điểm kinh doanh trên giấy phép phải được NHNN chấp thuận. Hiện nay có khoảng 5.800 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Tuy nhiên, NHNN thừa nhận quy định trên là không cần thiết và gây tốn kém cho người kinh doanh. Do vậy, cơ quan này đề xuất bãi bỏ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Bình luận về những thay đổi trên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 24 đã thoáng hơn cho các doanh nghiệp rất nhiều.
Chẳng hạn, hiện nay trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng doanh nghiệp phải có số thuế đã nộp hai năm liền kề, trong đó mức thuế phải nộp mỗi năm lên tới 500 triệu đồng mới đủ tiêu chuẩn. Nay theo dự thảo sửa đổi nghị định, NHNN chỉ yêu cầu ghi: Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong hai năm liền kề trước đó.
Điều này có nghĩa từ chỗ quy định cụ thể số tiền nộp thuế mỗi năm trong hai năm liên tiếp lên tới nửa tỉ đồng thì tới đây chỉ cần có xác nhận là doanh nghiệp đã nộp thuế trong hai năm liền kề là được chấp thuận, bỏ quy định phải nộp bao nhiêu mới được cấp giấy.
Vàng đã bớt “lấp lánh”
NHNN cho biết sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm, cung cầu trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua bán vàng miếng có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Từ năm 2014 đến nay đã không còn xảy ra tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước, thị trường vàng miếng đã không còn những cơn sốt vàng.
Trước đây có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh mua bán vàng miếng. Hiện nay số lượng này đã giảm còn khoảng 2.242 điểm trên toàn quốc.
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cũng đánh giá việc không quy định mỗi khi điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng phải xin ý kiến của NHNN như quy định hiện hành sẽ giúp việc chấm dứt tình trạng giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém về thời gian, chi phí và mất cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành vàng.
Tuy nhiên, ông Dưng cho rằng cần làm rõ khái niệm “các hoạt động kinh doanh vàng khác” quy định tại dự thảo nhằm tránh tạo ra kẽ hở và cơ chế xin cho không cần thiết. Bởi “khác” ở đây có thể bao gồm như khai thác mỏ vàng, vàng nguyên liệu, vàng cám, vàng tấm, các hóa chất liên quan đến vàng.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhìn nhận việc bổ sung quy định Bộ KH&CN đảm trách nhiệm vụ kiểm soát chất lượng là điều tốt cho thị trường. Thế nhưng việc xác minh tuổi vàng cũng không hề đơn giản.
“Ví dụ, tôi bỏ ra một cục vàng có độ tuổi 7,5 để làm ra một dây chuyền nhưng khi thành phẩm thì ngoài vàng còn có vẩy hàn. Nếu cơ quan chức năng lấy ngẫu nhiên một sản phẩm đem nấu lại để kiểm tra chất lượng thì chắc chắn là không còn đạt chuẩn nữa, bởi lúc này sản phẩm đã bị lẫn cả tạp chất từ vẩy hàn rồi. Đó là chưa kể thực tế là gần như chẳng có mấy chành sản xuất đúng sản phẩm vàng 18K” - ông Tấn dẫn chứng.
TS Phan Minh Ngọc khi trả lời báo chí thì cho rằng với quy định trên có thể hình dung doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu và thành phẩm, bán thành phẩm từ nay sẽ phải thực hiện các yêu cầu, quy định và “đón tiếp” thêm các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Bộ KH&CN. Nói cách khác, việc sản xuất, kinh doanh của họ sẽ có thêm nhiều trở ngại, khó khăn hơn.
Lý do muốn độc quyền vàng tài khoản
Theo NHNN, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung quy định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm hoạt động kinh doanh vàng khác. Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24.
Trong khi đó, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia; gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Xuất phát từ các lý do trên, dự thảo nghị định quy định: Hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.