Ngày 22/7, phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng cấp cao Việt Nam 2020, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Khí Việt Nam cho rằng, năng lượng LNG là xu thế toàn cầu và nhu cầu bức thiết để bổ sung điện khí trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Bình, có một số đặc thù trong việc tổ chức thực hiện chuỗi giá trị LNG. LNG là loại năng lượng hoàn toàn mới đối với thị trường Việt Nam. Chuỗi LNG bao gồm nhiều thành phần có tính gắn kết cao, từ khâu tìm kiếm nguồn cung LNG, xây dựng kho cảng tiếp nhận và tái hóa khí, hệ thống đường ống vận chuyển khí, công tác phát triển khách hàng, hợp đồng thương mại, liên kết chuỗi kéo dài hàng chục năm và có giá trị về mặt tài chính lớn với những hợp đồng lên đến hàng chục tỷ USD.
Việc triển khai chuỗi cần sự đồng bộ, xuyên suốt giữa các khâu thành phần, để đảm bảo các thành phần trong chuỗi được liên kết chặt chẽ và có hiệu quả. Do chi đầu tư cơ sở hạ tầng và giá trị hợp đồng mua bán lớn, chủ đầu tư thực hiện chuỗi giá trị này phải là các đối tác, công ty có đủ năng lực cả về chuyên môn và tài chính.
Chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng LNG cần được triển khai một cách đồng bộ trong tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quan trọng hơn là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển điện lực và các khu công nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Khí Việt Nam
Không giống như các hàng hóa thông thường khác, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như việc nhập LNG cần được tổ chức theo lộ trình để đảm bảo mục tiêu kép: vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đáp ứng các nhu cầu khách quan về độ mở của thị trường theo tiêu chí tự do cạnh tranh.
Bà Bùi Thị Hồng Vân - Giám đốc Angelin Energy
Đề xuất giải pháp cho việc nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng), bà Bùi Thị Hồng Vân - Giám đốc Angelin Energy cho biết đối tác Nhật Bản của công ty bà rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong mảng phân phối cho khách hàng khu công nghiệp và đầu tư trạm điện, cầu cảng.
Hiện tại, việc đầu tư cầu cảng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn, trong thời gian rất dài, mất tới 2-3 năm. Như vậy là rất chậm trong khi khách hàng khu công nghiệp lại rất "khát" nguồn LNG. Bà Vân cho biết, ở Nhật có giải pháp sử dụng LNG chứa trong LNG iso tank (container bồn để vận chuyển LNG) và có thể vận chuyển bằng cầu cảng thông thường từ Malaysia hoặc Indonesia về Việt Nam.
Giải pháp này có thể giải quyết nhanh được nhu cầu của khách hàng khu công nghiệp, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam về cầu cảng và trạm điện.
"Chúng tôi mong Bộ Công thương sẽ gỡ rối cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đọc thông tư, nghị định, nhưng vẫn vướng mắc ở chỗ nhập khẩu container iso tank đó sẽ như thế nào, quy trình ra sao" - bà Vân bày tỏ.
"Việt Nam chưa bao giờ nhập khẩu LNG tuy nhiên tất cả văn bản pháp luật quy định về việc kinh doanh khí, bao gồm LNG, thì đã có. Nghị định 87 của Chính phủ cũng quy định, lĩnh vực kinh doanh khí bao gồm LNG. Tôi cho rằng với quy định hiện nay, Việt Nam không cấm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực khí LPG, LNG" - bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương giải đáp.
Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương
"Trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến hỏi tôi trực tiếp về vấn đề này. Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công thương không phụ trách về vấn đề kinh doanh khí. Tuy nhiên, dưới góc độ hiểu biết của tôi khi tham gia xây dựng Nghị định 87, tôi cũng đã giải thích đầy đủ và có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện. Tôi nghĩ rằng, do nhà đầu tư chưa có văn bản chính thức và có đề xuất cụ thể với Bộ Công thương chứ không phải chúng tôi không hỗ trợ, hướng dẫn.
Quy định đã có, có thể quy định chưa đầy đủ vì chưa có hình thức nhập khẩu LNG và quy chuẩn về ISO tank. Nhưng trong giai đoạn đầu, nếu có vấn đề, các công ty có thể có văn bản hỏi, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ trả lời" - bà Quỳnh cho biết thêm.